61 thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt đại học, Bộ GD-ĐT nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cả nước thống kê được 61 thí sinh có mức điểm 29,5 vẫn trượt đại học học. Bộ GD-DT đã phải thống kê và xác định nguyên nhân vì sao điểm cao gần như tuyệt đối vẫn không trúng tuyển.

Bộ GD&ĐT vừa thông tin về một số dữ liệu phân tích điểm tuyển sinh năm 2021. Trong đó có thông tin về việc 61 thí sinh có điểm thi từ 29,5 điểu trở lên không trúng tuyển.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi.

Có 130 thí sinh có điểm 29,5 trở lên trượt nguyện vọng 1. Trong số này, có 61 em không đõ nguyện vọng nào và 69 em trúng tuyển nguyện vọng khác.

Trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào, có 60 em chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng; 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó có 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có thể thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Các trường, ngành có điểm xét tuyển cao, cụ thể là: Học viện Chính trị CAND có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ có 50. Điều này giải thích cho việc năm nay điểm chuẩn của Học viện có ngành lên đến 30,34 điểm (đối với nữ ở khối xét tuyển C00 - Văn, Sử, Địa).

Trường ĐH Hồng Đức có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 đều là Sư phạm chất lượng cao (Ngữ văn: 30,5 và Lịch sử: 29,75), tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 em.

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 là Hàn Quốc học (30,0 khối C00 với 10/40 chỉ tiêu các khối thi TNTHPT) và Đông Phương học (29,8 khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi TNTHPT). Hai ngành này cũng tuyển các khối khác, nhưng điểm chuẩn không quá cao (25,6 đến 27,9 điểm).

Trường ĐH Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung quốc điểm chuẩn 39,35/40 (môn tiếng Trung nhân hệ số 2), chỉ tiêu còn 30 cho điểm thi tốt nghiệp THPT trên tổng số 90 chỉ tiêu (60 chỉ tiêu xét theo phương thức khác).

Mặc dù việc lựa chọn vào các ngành đào tạo đại học có mức độ cạnh tranh cao là phải chấp nhận khả năng không trúng tuyển, Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn ở những năm sau, sẽ tạo ra sự bất công trong việc chạy đua giữa các thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp.

Nhiều ý kiến lo ngại, những ngành học điểm cao rất dễ làm mất thí sinh có năng lực thực sự giỏi như thủ khoa 29,25 điểm.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân nhấn mạnh hai vấn đề đặt ra từ công tác tuyển sinh năm nay. Trong đó, quan trọng là cần phải có kỳ thi đảm bảo tính phân loại rõ hơn, tránh tình trạng phổ điểm tập trung vào điểm 9, điểm 10 dẫn tới việc tuyển sinh xảy ra những vấn đề bất thường.

Rõ ràng từ năm 2020, sau khi Bộ GD-ĐT đổi tên kỳ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi không còn thể hiện rõ mục tiêu 2 trong 1 vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Đặc biệt, trước yêu cầu giảm tải, phù hợp với điều kiện học tập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đề thi thay đổi cấu trúc giảm thời gian làm bài từ 3 tiếng/môn xuống 2 tiếng, 1 tiếng/môn, thời gian ngắn, số lượng câu hỏi ít, không đủ để cán bộ ra đề thi đưa ra các câu hỏi phân hoá rõ rệt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các trường đại học cần thay đổi phương thức tuyển sinh, việc đánh trượt những học sinh số điểm gần như tuyệt đối là chưa đạt được mục tiêu lựa chọn những thí sinh có năng lực. Đặc biệt, với những thí sinh giỏi, có năng lực thực sự sẽ thất vọng khi phải chịu thua các bạn khác bởi điểm cộng ưu tiên.