60% người nhiễm virus viêm gan B cấp tính không có triệu chứng

ANTĐ -Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm” do Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức chiều 6-11, tại Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết, ở Việt Nam hiện đã có khoảng 10-20% dân số bị nhiễm virus viêm gan B (HPV). Đáng chú ý, chỉ có khoảng 40% bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B cấp tính có các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn - sốt - cảm, đau nhức tứ chi và thấy khó chịu ở vùng hạ sườn bên phải, có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt…
60% người nhiễm virus viêm gan B cấp tính không có triệu chứng ảnh 1Xét nghiệm phát hiện virus viêm gan B 

Do vậy, tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B nhưng không biết mình mắc bệnh trong cộng đồng là rất lớn. Nhiều người nhiễm virus viêm gan B được xem như là “khỏe mạnh” hay người lành mang mầm bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài, tuỳ theo thể trạng các virus này có thể nhân lên và bắt đầu làm tổn thương gan và có thể gây suy gan, xơ gan.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, viêm gan B mạn tính có thể dẫn tới khoảng 1/3 các trường hợp xơ gan và hơn 3/4 các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới. Ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong trên thế giới do ung thư và ung thư biểu mô tế bào gan chiếm 85-90% trong số những ung thư gan này.

Được biết, từ tháng 1-2014 đến tháng 5-2015, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã nghiên cứu 204 mẫu huyết tương từ các bệnh nhân viêm gan mạn được khám và điều trị tại viện. Kết quả cho thấy, nếu không đánh giá đúng được trạng thái người mang virus không hoạt động “thật” trong số những người bệnh viêm gan B mạn chưa điều trị hoặc đã được điều trị được xem là mang HBV không hoạt động mà không có biện pháp can thiệp thì nguy cơ tái phát, nguy cơ xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan sẽ tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khuyến cáo, để phát hiện sớm và chính xác viêm gan B cấp tính, người nhiễm virus viêm gan B cần phải kiểm tra định kỳ 6 tháng-1 năm/ lần và làm các xét nghiệm cần thiết ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus.