6 tháng sau mới biết 18 y bác sĩ có bị phơi nhiễm HIV hay không

ANTĐ -Trong nỗ lực mổ cấp cứu để giữ lại mạng sống cho một sản phụ bị băng huyết ngày 4-7 vừa qua, cả 18 y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tham gia kíp mổ đang phải theo dõi và có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Lý do vì trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, các y bác sĩ này không kịp sử dụng trang bị bảo hộ, cũng chưa đợt kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân.

6 tháng sau mới biết 18 y bác sĩ có bị phơi nhiễm HIV hay không ảnh 1Bác sĩ Lưu Quốc Khải thăm khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. 
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật nói trên nhớ lại: Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. (Hà Nội) được đưa đến bệnh viện lúc 9h38 phút ngày 4-7 vừa qua trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ, huyết áp không đo được, máu chảy thành dòng, tim đập rời rạc, thở ngáp cá.

Ngay lập tức, các bác sĩ thực hiện hồi sức cho bệnh nhân, lấy máu đi xét nghiệm và thực hiện phẫu thuật ngay tại phòng khám. Kíp mổ đã quyết định cắt tử cung do nhiễm trùng nặng. Trong quá trình phẫu thuật, máu bệnh nhân tuôn ra như vòi nước, bắn tung tóe, tràn lênh láng cả phòng khám bệnh và bắn vào người các y bác sĩ. Kíp mổ phải truyền 5l máu cho bệnh nhân để bù vào lượng máu đã mất. Cả quy trình cấp cứu ấy chỉ diễn ra vài phút.

Khi ca mổ gần kết thúc thì kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân mới có và nó khiến cả kíp mổ phải giật mình vì kết quả khẳng định bệnh nhân bị nhiễm HIV. Lúc này, dù có lo lắng song tất cả các y bác sĩ vẫn tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân cho đến khi ca phẫu thuật hoàn thành.
6 tháng sau mới biết 18 y bác sĩ có bị phơi nhiễm HIV hay không ảnh 2Được cứu sống từ tay tử thần, bệnh nhân H. hiện đã bình phục sức khỏe

TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trong số 18 y, bác sĩ tham gia ca mổ nói trên có 3 người đang mang thai. Hiện tại, cả 18 y bác sĩ trên đang được điều trị theo phác đồ cho người có nguy cơ phơi nhiễm HIV.
Bác sĩ Ánh kể: “Khi biết sự việc, một bác sĩ đã mắng chúng tôi: Hành động của các anh vừa đáng khen, vừa đáng trách. Các anh cứu người là tốt nhưng tại sao không bảo vệ mình. Tại sao không thực hiện theo quy trình cấp cứu cho người nhiễm HIV”.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, bệnh viện biểu dương tinh thần cứu chữa người bệnh của các y bác sĩ trong kíp mổ nói trên, bởi với trường hợp nguy kịch như vậy nếu để chậm ít phút chứ chưa nói tới chuyện đợi có kết quả xét nghiệm máu mới phẫu thuật thì chắc chắn bệnh nhân đã tử vong. Cũng theo TS Nguyễn Duy Ánh, phải chờ 6 tháng nữa mới có kết luận cuối cùng xem 18 y bác sĩ có bị phơi nhiễm HIV hay không.

Hiện tại, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu H. đang được điều trị tại khoa điều trị Nhiễm trùng sản C3 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sức khỏe đã ổn định. Được biết, chị H. lập gia đình đã 13 năm và có 1 con. Chồng chị đã mất cách đây hơn 10 năm vì tai nạn giao thông và kết quả xét nghiệm máu cho thấy bị nhiễm HIV. Lúc đó chị cũng đã được xét nghiệm máu và có kết quả dương tính với căn bệnh thế kỷ này.