6 tháng cuối năm: Cẩn trọng với lạm phát

ANTĐ - Các chuyên gia cho rằng lạm phát 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm. 
6 tháng cuối năm: Cẩn trọng với lạm phát ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Nhận định và dự báo về tình hình lạm phát năm 2013, tại Hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013" do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng nay (11-7), các chuyên gia cho rằng lạm phát 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm. 
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, cần cẩn trọng với kích cầu, vì kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc đẩy mạnh tổng cầu 6 tháng cuối năm là không dễ dàng. Để đạt được tăng trưởng GPD 5,5% cần những gói hỗ trợ lớn, kích cầu mạnh. Khả năng tăng trưởng tín dụng 12% là khó khăn những vẫn cần nhất quán chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam đánh giá, mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%. Với mức tăng của 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm chỉ số sẽ tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện... nhưng mục tiêu lạm phát cả năm có thể sẽ đạt được.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: "Chỉ số CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. CPI tăng cao ở quý I và giữ ổn định ở quý II, sau 6 tháng CPI tăng 2,4% so với cuối năm 2012, đây là một tín hiệu lạc quan để nhận định năm nay có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát".
"Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách về giá cả. Tăng cưởng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về giá, xử lý nghiêm vi phạm. Các mặt hàng do Nhà nước định giá, các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón... cần được kiểm soát", bà Ngọc chỉ rõ.
Các mặt hàng như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục... các Bộ, ngành cần chỉ đạo lộ trình, thời gian, mức độ tăng giá của các mặt hàng này tránh việc tăng giá trong cùng một thời gian tại nhiều địa phương để đảm bảo hạn chế thấp nhất tác động tới tốc độ tăng giá. 
Trong khi đó, nhận định của TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viên kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng: "Lạm phát 6 tháng đầu năm được kiềm chế ở mức thấp song có khả năng sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân là do, Chính phủ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng giá bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao...".
Nhìn nhận một cách lạc quan hơn, TS. Ngô Văn Hiền - Học viện Tài chính cho rằng: "CPI những tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế tuy chưa chắc chắn".