58 bức tranh lụa khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn cuốn hút người xem

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Các tác phẩm tranh lụa khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn sẽ gợi người xem đến vẻ đẹp của "sự vùng vẫy, không cân đối", không bị nắn trong khuôn đúc hay sự chỉn chu thường thấy.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn vừa ra mắt triển lãm tranh cá nhân lần thứ 11 tại Eight gallery, số 8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM.

Họa sĩ đã tạo dựng được một "lối đi ngay dưới chân mình" trong bộ môn nghệ thuật sinh động, đầy sức cuốn hút như tranh lụa. Trước đây, hình ảnh những cô gái thành thị từng xuất hiện trong các triển lãm của anh và được người xem khá yêu thích như: Những hình nhân trên đường phố (2007), Lụa (2009), Phù phiếm (2011, 2012, 2014), Sợi chỉ đỏ (2013). Đặc biệt năm 2017, Hơi thở nhẹ từng được giới thiệu tại Quảng Nam, rồi vào triển lãm tại TP.HCM.

Tranh lụa "Hơi thở nhẹ" của Bùi Tiến Tuấn

Tranh lụa "Hơi thở nhẹ" của Bùi Tiến Tuấn

Triển lãm trưng bày 58 bức tranh nude khắc họa vẻ đẹp thiếu nữ ở độ xuân thì. Người phụ nữ trong tranh anh có vẻ đẹp khác lạ với khuôn mẫu tranh lụa thiếu nữ đã từng ra đời trước đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng, không còn nữa trạng thái tĩnh hay thụ động bằng những tư thế ước lệ, vốn lấy sự nền nã, thùy mị và kín đáo làm tiêu chuẩn cho vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật.

Ở các bức tranh khỏa thân của Bùi Tiến tuấn, người xem dễ dàng nhận thấy sự thả lỏng ở trong đó. Người phụ nữ không còn giam cầm bản thân trong định kiến ở mức có thể trông thấy. Dù xuất hiện trên nền màu tối giản nhưng người xem hiểu ấy là một không gian riêng tư, nơi người phụ nữ có thể thỏa thích làm bất cứ điều gì, ở bất cứ tư thế nào, mà vẫn không hề e sợ bị đánh giá.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ, anh không vẽ một hình mẫu người phụ nữ cụ thể nào, mà anh đang vẽ những hình nhân của cái đẹp. Chính với lập trường này, khi sáng tạo anh chưa bao giờ nghĩ mình đang lặp, đang vẽ giống với những bức tranh mình đã vẽ trước đó.

Sách tranh lụa khoả thân đầu tiên của Việt Nam có tên “Nguyệt sáng gương trong”

Sách tranh lụa khoả thân đầu tiên của Việt Nam có tên “Nguyệt sáng gương trong”

Khi vẽ các bức tranh khỏa thân, thật ra họa sĩ muốn khám phá, khai thác mọi khía cạnh, mọi khả năng của sự quyến rũ nữ tính. Nghĩa là anh đang không ngừng tìm và thấy sự lãng mạn hóa mọi khả năng mà ở đó cái đẹp của nữ tính hiện diện. Nên đôi khi nó vượt qua tính hợp lý bên ngoài của đời sống để đi đến sự hợp lý bên trong của tính nguyên lý. Bản chất dịu dàng, uyển chuyển của lụa dường như đang đồng lõa với lập trường đó của Bùi Tiến Tuấn.

Nhận xét tranh của Bùi Tiến Tuấn, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, các tác phẩm đã gợi người xem về cảm giác "quên cân đối." Đây là chủ ý của người vẽ bởi rất có thể "sự cân đối cứng nhắc sẽ dễ đi vào khuôn thước kiểu mô phạm, không còn giữ được sự buông lỏng cần thiết trong tạo hình. Sự 'quên cân đối này" còn thể hiện ý niệm xuyên suốt về nữ tính, không bị nắn trong khuôn đúc hay sự chỉn chu mà là sự vẫy vùng, phản kháng để được tự do, để được đẹp.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn

Triển lãm tranh lụa khỏa thân của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn diễn ra đến hết ngày 6/6. Nhân dịp này, anh đã xuất bản cuốn sách tranh lụa khoả thân đầu tiên của Việt Nam có tên “Nguyệt sáng gương trong” do Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành với giá 500.000 đồng.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 ở Hội An, Quảng Nam. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1998, sau đó giảng dạy ở trường. Với hơn 20 năm trong nghề, anh mang đến giới mỹ thuật nhiều đóng góp đáng kể, qua ngòi bút và tranh lụa.

Bức Vẩy nét mi cong

Bức Vẩy nét mi cong

Từ năm 2007, anh tổ chức 10 triển lãm cá nhân và các buổi triển lãm nhóm trong và ngoài nước như Anh, Pháp, Hàn Quốc… Năm 2010, anh đoạt huy chương Bạc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc ở Hà Nội, sau đó ra sách tranh Hơi thở nhẹ (NXB Mỹ thuật phát hành). Họa sĩ cũng có tranh nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và nhiều nhà sưu tầm tư nhân.