54 người chết, 39 người mất tích

ANTD.VN - Báo cáo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 15h chiều 13-10, đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12-10 đã khiến 93 người chết và mất tích. 

Trong đó có 54 người chết (Sơn La: 6 người, Yên Bái: 6 người, Hòa Bình: 18 người, Thanh Hóa: 14 người, Nghệ An: 9 người, Hà Nội 2 người) và 39 người mất tích (Sơn La: 2 người, Yên Bái: 16 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa: 5 người, Quảng Trị: 1 người). 

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 18 người tại Hòa Bình, tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến 15h chiều 13-10, đã tìm được 10 thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Còn 8 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Mưa lũ cũng đã khiến 189 ngôi nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập; 22.926ha lúa, 29.192ha ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại; 5.747 con gia súc, 174.793 con gia cầm bị cuốn trôi. 

Tại hồ Hòa Bình, đến chiều 13-10, mực nước đã về mức 115,28m, dưới mực nước dâng bình thường. Thủy điện Hòa Bình cũng đã đóng các cửa xả đáy.

Thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10 đến 12-10 tại cuộc họp chiều (13-3), ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trận lũ, sạt lở đất vừa qua là đợt thiên tai lớn, có khu vực đã mưa trên 500mm. Phạm vi trải dài từ Hà Tĩnh tới Sơn La, Yên Bái”. 

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, lượng nước về các hồ chứa rất lớn. Tại hồ Hòa Bình có lúc lượng nước về hơn 16.000m3/s, trong khi quy trình vận hành liên hồ cho phép tích nước lên tới 117m và trên sông có nơi lũ vượt báo động 3, đạt mức lịch sử.

Trước câu hỏi “Có hay không nguyên nhân từ việc mất rừng đầu nguồn khiến tình trạng lũ ống, lũ quét liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khốc liệt?”. Ông Trần Quang Hoài cho rằng: “Đi lên khu vực Sơn La có thể thấy rất rõ những khu rừng ngút ngàn trước đây đã bị cạo trọc. Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu nguyên sinh như vậy, để rừng đúng là tấm giáp chắn giúp điều tiết nước phải mất hàng chục năm”.