51 năm mòn mỏi chờ đợi sự thật thảm kịch máy bay chở khách Pháp

ANTD.VN - Dù 51 năm đã trôi qua, nhưng gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay mang số hiệu AF1611 của Hãng hàng không Air France rơi xuống biển vẫn phải ngóng chờ vụ việc được giải mật.

51 năm mòn mỏi chờ đợi sự thật thảm kịch máy bay chở khách Pháp ảnh 1Mảnh vỡ máy bay bị giới chức quân sự Pháp thu giữ

Bị tàu hải quân Pháp bắn rơi?

Ngày 11-9-1968, Giám đốc ngân hàng người Ireland Arthur O’Connor và 94 người khác - bao gồm 13 trẻ em - đã lên chuyến bay mang số hiệu AF1611 của Hãng hàng không Air France khởi hành từ Ajaccio ở Corsica đến Nice, miền Nam nước Pháp. O’Connor, 52 tuổi, đang quay trở lại Ballsbridge, Dublin, nơi ông sống cùng vợ, Kathleen, và 4 con gái: Margaret, Felicity, Derval và Serena. Con gái lớn nhất 20 tuổi, còn con gái út mới 7 tuổi. 

Lúc 10h33 hôm đó, ngay khi ra khỏi Côte d’Azur và 3 phút trước khi hạ cánh, chiếc máy bay Caravelle SE-210 bị biến mất khỏi màn hình radar và lao xuống biển. Gia đình O’Connors và các nạn nhân khác được thông báo rằng đám cháy trên khoang đã khiến máy bay rơi. Khi các cơ quan quân sự và tình báo của Pháp tới hiện trường, một giả thuyết khác đã nhanh chóng xuất hiện: rằng AF1611 đã bị một tên lửa đất đối không từ tàu hải quân Pháp bắn rơi. Trong 51 năm, bằng chứng chỉ ra chiếc máy bay bị bắn hạ là một bí mật quân sự. Năm nay, khi gia đình của các hành khách tập trung tại Nice để tưởng nhớ những người thân yêu của họ, như họ đã làm trong 50 năm qua, họ vẫn đang chờ Chính phủ Pháp giải mật các tài liệu để tìm ra sự thật. 

“Chúng tôi không thể hiểu được làm thế nào họ có thể giữ bí mật vụ việc sau 51 năm. Hàng năm, cứ vào thời điểm này, ký ức đau buồn lại gợi về ám ảnh chúng tôi. Tôi ghét điều đó. Nó giống như một mảnh vỡ không bao giờ biến mất”, bà Margaret O’Connor, 71 tuổi, nói với tờ Guardian.

Chiếc máy bay Caravelle SE-210 đã bay qua Biển Địa Trung Hải, nơi đang diễn ra một cuộc tập trận quân sự. Khi bộ phận kiểm soát không lưu nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ máy bay thì đã quá muộn. Sau đó, các tài liệu và hình ảnh có thể làm sáng tỏ vụ tai nạn đột ngột biến mất. Trang ngày 11-9 trong sổ nhật ký của tàu hải quân Pháp trong khu vực, Le Suffren, đã bị xé. Gia đình các nạn nhân trên máy bay được thông báo rằng thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (hộp đen) bị hỏng; tất cả dữ liệu chuyến bay trước đó đều có thể phục hồi được nhưng dữ liệu chuyến bay AF1611 lại không thể đọc được. Xác máy bay được trục vớt lên từ đáy biển ngay lập tức bị giới chức quân sự Pháp tịch thu.

Vào năm 2011, Michael Laty, một cựu quân nhân, nói với truyền hình Pháp rằng máy bay đã bị trúng tên lửa tìm nhiệt khi nó đổi hướng mục tiêu và bắn trúng một trong những động cơ của máy bay Caravelle SE-210. “Sự việc đã được giữ bí mật. Caravelle đã bị bắn rơi. Chúng tôi đã bắn rơi một máy bay dân sự, thay vì mục tiêu đã được lập trình”, Laty tiết lộ. 

Yêu cầu giải mật, làm sáng tỏ nguyên nhân thảm kịch

Tuy nhiên, cuộc điều tra chính thức lại kết luận rằng đám cháy bắt đầu trong nhà vệ sinh máy bay. Stéphane Nesa, một trong 2 luật sư đại diện cho các gia đình hành khách, nói rằng giả thuyết do lửa là vô lý. “Điều này đã bị nghi ngờ trong 45 năm. Nó hoàn toàn không thể về mặt kỹ thuật”, ông nói, “Thẩm phán điều tra đã viết thư cho chính phủ yêu cầu giải mật, nhưng đã hơn 1 năm chúng tôi không nhận được phản hồi. Chính phủ càng để lâu, chúng tôi càng cảm thấy họ không muốn công bố sự thật sau hơn 50 năm”. Luật sư Nesa cho biết thêm: Có 95 người trên máy bay đã chết bao gồm trẻ em. Gia đình họ không muốn lấy tiền. Họ muốn biết sự thật”.

Chị em nhà O’Connor nói rằng họ hiếm khi nói về vụ tai nạn, nhưng vết thương cũ gợi lại mỗi khi đến ngày kỷ niệm. “Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không nhớ nhiều về cha. Mẹ của chúng tôi, người đã chết 15 năm trước, bị góa bụa ở tuổi đầu 40, một mình nuôi 4 đứa con. Bà không bao giờ nói, nhưng vụ tai nạn đó luôn ở trong tâm trí bà. Bà rất đau lòng”, Serena nói.

Bộ Quốc phòng Pháp từ chối đưa ra bình luận về vụ việc, nhưng nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly sẽ là người đưa ra quyết định giải mật hay không. Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết thư cho Bộ trưởng Paoly bày tỏ hy vọng vụ việc sẽ được giải mật và ông đã yêu cầu Bộ trưởng Parly bắt đầu tiến trình phát hành các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn.

“Chúng tôi không muốn tiền. Chúng tôi không muốn trách ai cả. Chúng tôi thậm chí không muốn xin lỗi. Chúng tôi đang chờ đợi sự thật. Chúng tôi đã chờ đợi 51 năm qua”, Mathieu Paoli, 75 tuổi, người có mẹ thiệt mạng trong vụ tai nạn, nói và cho biết, việc tìm ra sự thật vẫn là nhiệm vụ của cuộc đời ông.