50 tên cướp biển, tay dao tay súng, xông vào chúng em

ANTĐ - “Tàu em đang đánh cá thì tụi cướp băng tới rất nhanh. Cùng lúc khoảng 50 tên ập lên bong tàu, tay dao tay súng, uy hiếp toàn bộ thủy thủ đoàn”- thủy thủ Lưu Đình Sơn thuật lại thời khắc kinh hoàng, bị hải tặc Somalia tấn công.

Những người phụ nữ chân lấm tay bùn, lần đầu tiên ôm hoa ra sân bay đón con
nhưng hoàn cảnh khiến ánh mắt của họ không thể vui khi chưa nhìn thấy
đứa con nguyên vẹn trở về

Chờ đợi…

Chiều 24-7, tại sảnh A Quốc tế đến, sân bay Quốc tế Nội Bài, cô bé Trần Thị Mỹ Tâm (6 tuổi) đứng lọt thỏm bên cạnh cậu anh trai Trần Văn Thắng (12 tuổi). Hai anh em được bố mẹ đưa từ xã Nghi Tiến, (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ra Hà Nội từ tối hôm trước, để đón anh trai cả là Trần Văn Toàn (21 tuổi)- 1 trong số 12 thủy thủ Việt Nam bị hải tặc Somalia bắt cóc hôm 25/12/2010- trở về an toàn.

Cả hai anh em còn quá nhỏ để hiểu được mối hiểm nguy mà người anh ruột của mình đã phải trải qua trong suốt 18 tháng qua. Ông Trần Văn Trinh- bố đẻ thủy thủ Trần Văn Toàn cho biết: Toàn đi lao động xuất khẩu từ tháng 10/2009, được hơn 1 năm thì bị hải tặc bắt cóc. Ban đầu gia đình cũng khá bình tĩnh, vì trong xã cũng có một số trường hợp đi làm ăn dài ngày, mất liên lạc sau đó lại trở về. Hơn nữa, “cướp biển” là một cái gì đó hơi xa vời.

Tuy nhiên, thời gian dần trôi qua mà tin tức thì vẫn bặt tăm, mọi người trong gia đình chuyển sang trạng thái lo lắng. Cuối cùng đó là những cú điện thoại nhát gừng gọi về, vừa báo tin "con còn sống" nhưng đồng thời cũng báo cướp biển đòi tiền chuộc, nếu không sẽ bị chặt chân, tay; thậm chí có thể bị giết…

 

Hai anh em Thắng và Tâm

Cùng độ tuổi với Toàn, trong nhóm thủy thủ bị bắt cóc còn có Vũ Văn Ba (trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ngày Ba bị hải tặc bắt, mẹ đẻ là bà Trần Thị Lơ không hề hay biết. Người phụ nữ khắc khổ vẫn nhớ đinh ninh cái ngày 2-12 âm lịch năm 2010: “Hôm đó, có nhà báo tới nhà, báo tin tôi mới hay. Trời đất như sụp xuống. Tôi mới chạy lên xã hỏi, thì xã cũng chưa nắm được thông tin. Rồi vài hôm sau, họ lại quay trở xuống xác minh tên con trai tôi, lúc đó tôi mới biết chắc con mình đang gặp nạn”.

Kể từ khi đó, gia đình bà Lơ cùng với 3 gia đình khác có chung hoàn cảnh tại xã Quỳnh Long trở nên gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Họ chia sẻ cho nhau từng chút thông tin trên xã, huyện báo xuống; thông tin bọn trẻ đọc được trên mạng internet về kể lại… Chờ đợi trong vô vọng từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Rồi đến ngày chuông điện thoại bất ngờ đổ với dãy số lạ, dài loằng ngoằng gọi về, thì họ mới biết con cháu mình còn sống. Nhưng kèm theo đó là nỗi lo về những khoản tiền chuộc khổng lồ mà người nông dân chân lấm tay bùn như bà Lơ thậm chí còn không viết đầy đủ nổi dãy số đó; những lời đe dọa chặt chân tay thủy thủ Việt Nam của hải tặc Somalia….

Bà Trần Thị Lơ, mẹ thủy thủ Vũ Văn Ba

50 tên cướp biển, tay dao tay súng, xông vào chúng em ảnh 5
Những ánh mắt lo lắng, cùng dõi vào khu vực lấy hành lý phía trong

Nước mắt vỡ òa

15h30, thân nhân 12 thủy thủ Việt Nam đứng thành hai hàng, chờ đợi các thủy thủ bước ra. Thời gian trôi qua thật chậm chạm, từng phút, từng phút.

15h50, Bùi Văn Hóa (22 tuổi)- một trong những thủy thủ đầu tiên bước ra cửa. Nước da đen sạm, gương mặt rắn rỏi, nhưng hai mắt đỏ hoe. Đang ngơ ngác tìm người thân thì hai vòng tay người mẹ đã quàng qua cổ, như thủa thơ dại nào. Nức nở tiếng khóc của mẹ, Hóa cũng sụt sùi. Hạnh phúc vỡ òa. Không mấy người hiểu, trước đó có những lúc gia đình đã tính đến nước phải lập ban thờ cho người con xa xứ.

Phút xúc động rồi cũng qua đi, thủy thủ Lư Đình Sơn (xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nhớ lại thời khắc hiểm nghèo bị hải tặc tấn công: Lúc đó, tàu chúng em đang đánh cá, thì bọn cướp ập tới rất nhanh. Tổng cộng có khoảng 50 tên, tay dao tay súng, uy hiểm toàn bộ tàu.

 

Niềm vui và những giọt nước mắt vỡ òa sau 18 tháng mong chờ mòn mỏi

Sau khi bị bắt cóc, hằng ngày chúng cho con tin ăn theo kiểu cầm cự qua ngày. Thi thoảng lại đánh đập một ai đó để thị uy. Trong suốt thời gian bị hải tặc bắt, các thủy thủ bị buộc phải lao động rất nặng nhọc, liên tục bị đe dọa… Thời gian cứ thế trôi đi cho đến ngày các thủy thủ được giải cứu.

Hầu hết, các thủy thủ đều mạnh khỏe dù trải qua sau một hành trình dài. Với họ, thời khắc ngồi trên máy bay dài đằng đẵng, hình ảnh người thân luôn hiện về trong tâm trí kể cả khi ngủ. Sau khi xuống sân bay, các thủy thủ được công ty chủ quản lao động đưa về trụ sở để ổn định sức khỏe và làm các thủ tục để sớm trở về nhà.

12 thủy thủ Việt Nam bị bắt giữ gồm: Trần Văn Toàn (21 tuổi), Lưu Đình Sơn (21 tuổi), Trần Văn Hùng (25 tuổi), Nguyễn Văn Hải (20 tuổi), Trần Huy Bình (25 tuổi), Hồ Xuân Hương (23 tuổi), Lưu Đình Hùng (22 tuổi), Trần Minh Trí (21 tuổi), Nguyễn Thanh Tú (26 tuổi), Vũ Văn Ba (21 tuổi) đều quê ở Nghệ An; Bùi Văn Hóa và Nguyễn Văn Tâm (22 tuổi) quê Hà Tĩnh.

Trước đó, ngày 25/12/2010, tàu FV Shiuh Fu No1 (Đài Loan) bị hải tặc Somalia bắt cóc, cùng với 12 thủy thủ người Việt Nam và 14 người Trung Quốc. Đêm 17/7/2012, tàu cá và các thủy thủ được hải tặc thả về.

Theo ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương bình và Xã Hội), các thủy thủ về nước đều có sức khỏe tốt. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho mỗi lao động một triệu đồng để về quê.

Đánh giá về hành trình giải cứu thủy thủ bị hải tặc bắt cóc, ông Tạo cho biết: “Các cơ quan trong nước và Đài Loan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của sở tại tìm cách xử lý vụ việc, đảm bảo an toàn cho các thủy thủ sớm đưa lao động về nước.

Về vấn đề tiền lương đối với các thủy thủ trong quá trình bị hải tặc bắt giữ trong vòng hơn 18 tháng, ông Tạo khẳng định, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu doanh nghiệp và chủ sở hữu lao động phải chi trả đầy đủ tiền lương cho người lao động.

Để các tàu và chủ tàu không rơi vào tay cướp biển, ông Tạo khuyến cáo, doanh nghiệp và chủ tàu không nên đi quá gần khu vực đã được cảnh báo có cướp biển. Tàu thuyền nên đi thành đội, nhóm.