Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an:

50 năm trước, các chiến sỹ an ninh vào trận với tâm thế sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt

ANTD.VN - Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an để nhớ về những trang sử hào hùng được viết nên bởi những người chiến sỹ an ninh trong chiến dịch năm xưa. 

Chiến sỹ an ninh vũ trang, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tháo thuốc nổ chế tạo vũ khí đánh địch

Sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt

- PV: Thưa ông, 50 năm đi qua, ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã được khẳng định như thế nào? 

- Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an: Về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, thời gian qua đã có rất nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học từ cấp Trung ương đến các bộ, ngành đề cập đến. Tại các cuộc hội thảo đó, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, các nhân chứng từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã thẳng thắn nhìn nhận và thống nhất đánh giá: Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một trong những mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc lớn, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và thực sự là cuộc tổng diễn tập cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. 

- Trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, theo ông, những người chiến sỹ an ninh đã chiến đấu, hy sinh như thế nào để từ đó góp phần làm nên thắng lợi của ngày 30-4-1975?

- Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là kết quả của cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, sáng tạo tuyệt vời, sự hy sinh oanh liệt của đồng bào, chiến sỹ hai miền Nam - Bắc, trong đó có những đóng góp quan trọng của lực lượng CAND Việt Nam. Điều đó có thể kể đến như: lực lượng CAND đã đảm bảo thông tin liên lạc bí mật, thông suốt, nhanh chóng phục vụ chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an về Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam mưu trí, dũng cảm, tổ chức đánh vào hang ổ địch, tiêu diệt nhiều tên tay sai đầu sỏ ác ôn, khiến kẻ thù khiếp sợ, tạo khí thế cách mạng tiến công của quần chúng. Lực lượng an ninh đã trực tiếp chiến đấu, sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, các Bộ Tư lệnh tiền phương tham gia chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định và các địa phương khác…

- Ông có thể cho biết, những chiến sỹ an ninh của lực lượng Công an khi đó đã bước vào trận chiến với tâm thế ra sao?

- Chúng ta, tôi và các bạn đều sống trong thời kỳ hòa bình nhưng tôi có thể chắc chắn rằng thế hệ cha anh chúng ta, những người chiến sỹ an ninh đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Họ bước vào trận chiến với tâm thế sẵn sàng, quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, của Bộ Chính trị, sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt. Và biết bao người lính mặc áo dân thường hay các màu áo khác ngụy trang để che mắt địch đã ngã xuống, không được nhìn thấy ngày độc lập, nhưng họ đã nguyện cống hiến đời mình cho đất nước trước khi vào trận.

Thế hệ chúng ta ngày hôm nay luôn biết ơn các anh hùng liệt sỹ, những người dân yêu nước, những cơ sở bí mật giúp đỡ lực lượng an ninh miền Nam và cách mạng, chính họ đã vun đắp thêm truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. 

Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử (Bộ Công an)

Day dứt trước sự hy sinh âm thầm của các chiến sỹ an ninh

- Thế trận lòng dân đã được những người chiến sỹ Công an tạo ra ở ngay trong những khu vực nóng bỏng, nguy hiểm nhất, thưa ông?

- Để đi tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, lực lượng an ninh miền Nam đã chuẩn bị lực lượng từ rất sớm, ngay từ đầu đã gắn bó với dân. Nếu không có căn cứ lòng dân đó chắc chắn không thể có hệ thống tình báo các cấp, kể từ cấp chiến lược cho đến tận cơ sở. 

Trong các trận chiến đấu của an ninh miền Nam, xét về tương quan lực lượng, các chiến sĩ an ninh luôn phải trực tiếp chống lại lực lượng địch đông gấp nhiều lần. Nhưng các trận chiến đấu ấy luôn được sự ủng hộ, bao bọc, che chở của nhân dân, kể từ lúc xây dựng tổ chức, chuẩn bị và vận chuyển vũ khí, cung cấp hậu cần, cứu chữa thương binh, che giấu cán bộ, chiến sĩ sau chiến đấu…

Sự yêu thương, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của nhân dân đã góp phần giúp lực lượng an ninh miền Nam giành nhiều thành tích to lớn, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

- Là một người nghiên cứu lịch sử, điều gì khiến ông day dứt trong quá trình đi tìm hiểu, thu thập tài liệu về sự kiện này?

- Trong quá trình tìm hiểu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, thân nhân liệt sỹ,  tôi luôn cảm thấy tự hào, khâm phục trước sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của những người chiến sỹ an ninh miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Nhưng lòng tôi luôn day dứt vì một lẽ, với đặc thù công việc, mỗi chiến sỹ tình báo, chiến sỹ an ninh, trinh sát vũ trang chỉ được đánh bằng bí danh, mã số trong hoạt động và chiến đấu.

Thông tin cá nhân của các chiến sỹ được giữ bí mật tuyệt đối. Họ chiến đấu và hy sinh, ngã xuống trên mảnh đất quê hương không để lại một dòng địa chỉ. Do vậy, hòa bình đã trải dài trên đất Việt Nam đến nay đã 43 năm nhưng vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa được quy tập hài cốt, chưa được trả lại tên thật. Và gia đình họ chính là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất vì vẫn phải tiếp tục hi vọng và chờ đợi trong khắc khoải tâm linh!

- Vậy để nói với thế hệ ngày nay về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ông sẽ nói điều gì?

- Tôi luôn muốn các thế hệ ngày nay có được cái nhìn khách quan, chân thực và trân trọng về sự kiện trọng đại này. Những nhận định, đánh giá xuyên tạc, hạ thấp vai trò, ý nghĩa thành quả của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 này đều được coi như sự vô ơn đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của ngày hôm nay. Với người làm công tác nghiên cứu lịch sử, tôi mong muốn các bạn trẻ hãy học lịch sử, biết tri ân sự hy sinh của cha ông, suy ngẫm và rút ra bài học bổ ích cho bản thân để có động lực vươn lên trước những khó khăn, phức tạp, làm chủ cuộc sống. 

- Xin ông cho biết những bài học kinh nghiệm được rút ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đối với công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND hiện nay? 

- Không chỉ có ý nghĩa trực tiếp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thông điệp từ chiến dịch Mậu Thân 1968 còn có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những bài học kinh nghiệm cơ bản đó là: Công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi  mặt; Trong chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND cần “lấy dân làm gốc”, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân…

- Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trò chuyện!