50 năm tới, Hà Nội bị nước biển xâm thực

ANTĐ - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động rõ rệt tới khí hậu nước ta. Tại các tỉnh ven biển, xói lở ngày một ăn sâu vào đất liền. Hà Nội được dự báo sẽ bị nước biển nhấn chìm từ 1-3m trong vòng 40-50 năm nữa.

Những trận “đại hồng thủy” như năm 2008 có thể sẽ tái diễn do biến đổi khí hậu.

Ảnh: PHÚ KHÁNH

Nước biển ngập phía Nam Hà Nội trong 40-50 năm tới

Kết quả nghiên cứu biến dạng lún bề mặt đất TP do thay đổi mực nước ngầm của Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội cho thấy, trong hơn 1.000 năm qua, nền đất Hà Nội đã bị hạ thấp 4-4,5m. Hiện, khu vực Thành Công, Giảng Võ và Pháp Vân, Thanh Trì bị lún với tốc độ lớn nhất. 

TS. Lương Quốc Huy, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về BĐKH cho biết, nhiều vùng của Hà Nội hiện tại đang lún từ 1-4cm/năm, trong 100 năm nữa, nền đất của nhiều vùng thuộc đồng bằng Hà Nội sẽ hạ thấp so với hiện nay từ 1-4m, vùng hạ thấp nhất cũng khoảng 0,5m. Cũng 100 năm nữa, nước biển sẽ dâng cao hơn hiện nay 1m. Do vậy, những vùng đất lún 1m sẽ thấp bằng mặt nước biển. Các vùng lún từ 2-4m sẽ chìm trong nước biển từ 1-3m như khu Thành Công, Giảng Võ”, ông Huy dự báo. Bên cạnh đó, nước biển dâng lên 1m sẽ tràn vào theo sông Hồng, tràn bờ làm mở rộng đáng kể lòng sông và sông Hồng sẽ trở thành một vịnh biển rộng từ 3-4km ăn sâu vào đất liền.

Tuy nhiên, cũng theo  TS. Huy, một số vùng phía Nam Hà Nội sẽ bị nước biển ảnh hưởng và ngập khi thủy triều lên trong vòng 50 năm tới. Khả năng trên có xác suất xảy ra rất cao vì được tính toán dựa vào các số liệu đo thực tế. Sự nóng lên của toàn cầu và nước biển đang dâng càng ngày càng nhanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đồng bằng Bắc  bộ. Bởi vậy, vùng Thủ đô Hà Nội cần có kế hoạch ứng phó cho khu vực các huyện phía Nam trong 40-50 năm nữa sẽ bị ảnh hưởng của nước biển như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín. “Khi quy hoạch các công trình lớn ở phía Nam thành phố nên tính đến phương án nâng cao cốt nền thêm từ 3-5m. Các công trình xây dựng lớn có thể thiết kế để có phương án chỉ sử dụng từ tầng 2 trở lên”, TS. Huy khuyến cáo.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng 

BĐKH sẽ tác động đến tất cả các mặt của đời sống trên địa bàn Thủ đô, từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tới giao thông vận tải, giáo dục và y tế. Ông Huy cho biết, hầu hết trong 730 trang trại và diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội (khoảng 30.000ha) đều có khả năng nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Tình trạng nắng nóng, rét diễn ra bất thường như hiện nay sẽ làm môi trường nuôi biến đổi đột ngột, độ PH, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các loài thủy sản. Ví như, đầu năm 2008 và đầu năm 2011, rét đậm rét hại kéo dài đã làm cá chết hàng loạt ở tất cả các huyện ngoại thành, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. “BĐKH cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến GTVT, một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, ông Huy nhận định. 

Đáng lưu ý, BĐKH sẽ tác động đến hầu hết các khu vực của TP theo hướng cực đoan, phía thấp sẽ bị ngập, khu vực cao sẽ gánh chịu khô hạn. Theo UBQG về BĐKH, nhiều vùng dân cư sẽ bị ngập sâu từ 1-5m khi có mưa bão xảy ra, khả năng ngập úng kéo dài, gây chia cắt rất lớn bởi khó tiêu thoát. Dự kiến sẽ có khoảng 70.000 hộ với 300.000 nhân khẩu sẽ bị ảnh hưởng ở các vùng như Sơn Tây, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm… Ngược lại, một phần huyện Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn sẽ nằm trong diện chịu khô hạn. Dự kiến có khoảng 50.000 hộ với 200.000 nhân khẩu sẽ bị ảnh hưởng. 

Bởi vậy, ông Huy cho rằng, ngay từ bây giờ, các kế hoạch, chương trình phát triển của Thủ đô nên lồng ghép thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, kết hợp với đó là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân. Tổ chức làm sạch môi trường, trồng cây xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính… là một số các biện pháp trước mắt mà UBQG về BĐKH khuyến cáo.