50 năm nữa sẽ không còn các vùng biển hoang dã trên trái đất

ANTD.VN -Ngày 27-7, các nhà khoa học cho biết, bản đồ toàn diện đầu tiên về vùng đại dương hoang dã tiết lộ rằng chỉ còn 13% đại dương trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi các tác động gây hại từ hoạt động của con người.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland (UQ) ở Australia và đồng nghiệp quốc tế đã xác định nhiều khu vực biển hoang dã không có tác động của con người bằng cách phân tích 19 tác nhân gây tác hại lên hệ sinh thái trong đó có hoạt động vận chuyển thương mại, dòng chảy trầm tích và một số loại hình đánh bắt.

Các nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết vùng biển hoang dã còn lại không được bảo vệ và vẫn rất dễ mất đi.

Chỉ còn lại 13% vùng biển hoang dã trên thế giới

Ông Kendall Jones, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland (UQ), Australia cho biết: “Các khu vực biển có thể được coi là nguyên sơ ngày càng trở nên hiếm hoi khi các đội tàu đánh cá và vận chuyển hàng hoá mở rộng tầm với của họ ra hầu hết các đại dương trên thế giới. Những cải tiến trong công nghệ vận chuyển làm cho ngay cả những vùng hoang dã xa xôi nhất vẫn có thể bị đe dọa trong tương lai, kể cả những nơi phủ đầy băng mà giờ đây vẫn có thể tới được do biến đổi khí hậu", ông Jones nói.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học tìm thấy ít vùng hoang dã còn lại trong môi trường sống ven biển như rạn san hô, vì các hoạt động gần đó của con người.

Hầu hết các vùng hoang dã trên biển đều nằm ở Bắc Cực và Nam cực hoặc xung quanh các quốc đảo Thái Bình Dương xa xôi như Polynesia thuộc Pháp.

Phát hiện này nhấn mạnh một yêu cầu trước mắt cho các chính sách bảo tồn là phải làm thay đổi nhận thức và bảo vệ bằng được các giá trị độc nhất của vùng biển hoang dã.

James Watson, một giáo sư tại UQ cho biết: “Vùng biển hoang dã là nơi chứa đựng sức sống mãnh liệt, nơi có rất nhiều loài và tính đa dạng di truyền cao, giúp chúng có khả năng thích nghi với các mối đe dọa như biến đổi khí hậu. Chúng tôi biết các khu vực này đang giảm dần và bảo vệ chúng phải trở thành một trọng tâm của các thỏa thuận môi trường đa phương. Nếu không, chúng có thể sẽ biến mất trong vòng 50 năm".

Nhà nghiên cứu Jones nói, việc bảo tồn vùng hoang dã biển cũng đòi hỏi phải điều tiết các vùng biển chung, vốn đã được chứng minh là khó khăn trong lịch sử, vì không có quốc gia nào có thẩm quyền.

"Cuối năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã bắt đầu xây dựng một hiệp ước bảo tồn biển, có liên quan đến pháp lý, về cơ bản là một Hiệp định Paris về đại dương", ông nói.

"Thỏa thuận này sẽ có sức mạnh giúp bảo vệ các khu vực rộng lớn của biển cả và có thể là cú hích tốt nhất của chúng tôi để cứu một số vùng biển hoang dã cuối cùng còn lại trên Trái đất", ông Jones nói.