5 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bộc lộ những điểm yếu

ANTĐ - “Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập?” là câu hỏi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đặt ra khi nhìn lại chặng đường 5 năm nước ta gia nhập WTO. Thành tựu cũng có, nhưng những điểm yếu bộc lộ nhiều là câu trả lời của các chuyên gia.

Lợi thế gia nhập WTO chưa được tận dụng hiệu quả (ảnh minh họa)

Lỗ hổng nền tảng cạnh tranh

Gia nhập WTO là tham gia vào môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng trước thử thách này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Cần xây dựng nền tảng cạnh tranh, từ giáo dục, hạ tầng, nguồn lực đến định vị nền kinh tế Việt Nam trước rồi hãy đặt mục tiêu phát triển. Chúng ta chưa chuẩn bị được nền tảng cho cạnh tranh nhiều nên hệ quả là trong 5 năm qua có 3 nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng mà giờ chúng ta mới đặt ra trong kế hoạch 10 năm tới”. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam vẫn đặt nặng mục tiêu phải phát triển bao nhiêu phần trăm rồi mới đưa ra giải pháp.

Nhận định về những điểm yếu của Việt Nam bộc lộ qua 5 năm qua, ông Phạm Huyền- Trung tâm quốc tế, Bộ KH-CN bày tỏ, với doanh nghiệp, vấn đề vốn, kinh doanh và khoa học công nghệ là 3 điểm quan trọng. Tuy nhiên, về công nghệ, hầu như doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thể chế Việt Nam đang yếu ở tính minh bạch và tính tiên liệu. Tình hình xã hội và doanh nghiệp thay đổi nhanh chóng, nhưng ít người có thẩm quyền đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp. “Chưa có nước nào ở ASEAN có nhiều hội thảo, chương trình về hội nhập như ở Việt Nam hiện nay, nhưng doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều giống nhau là nước đến chân mới nhảy”- ông Thành nói. Vì lý do này nên tỷ lệ tận dụng được thị trường ASEAN với ưu đãi thuế 0% chỉ được 20%, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc mới làm nhưng tỷ lệ lên tới 70%. Ví dụ như ngành dệt may, mặc dù là một trong những ngành có nhiều thành tựu nhất sau 5 năm gia nhập WTO nhưng sản xuất chủ yếu vẫn là gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp.

Doanh nghiệp phải  chủ động

Sự thiếu chủ động của doanh nghiệp thể hiện ở chỗ, theo quy định của WTO, Nhà nước không được can thiệp vào việc lựa chọn công nghệ của doanh nghiệp nhưng có thể dùng chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập công nghệ mà không phân biệt đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Song trên thực tế, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn làm được thì doanh nghiệp trong nước không được đầu tư xứng đáng, không có môi trường cạnh tranh.

Theo ông Lương Văn Tự - Nguyên trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO, về công nghệ, bản thân doanh nghiệp phải lo chứ không thể phó mặc hoàn toàn cho nhà nước. “Doanh nghiệp phải chủ động chọn công nghệ, dây chuyền phù hợp. Nhìn lại, những công nghệ cao ở Việt Nam đều do các nhà đầu tư nước ngoài như: Canon, Intel xuất khẩu sang để hưởng lợi nhuận từ nguồn lao động và ưu đãi thuế quan từ hàng xuất xứ từ Việt Nam. Đây là điều đáng buồn”- ông Tự nhấn mạnh.

Cùng chung nhận định này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, cần làm rõ hơn 3 trụ cột chính là: Nhà nước, thị trường và xã hội; 3 trụ cột này phải dựa vào nhau, hỗ trợ với nhau chứ không được trông chờ vào riêng vai trò của Nhà nước. Sự chủ động của doanh nghiệp phải đặt trong sự phối hợp, liên kết với nhau, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành, với các bạn hàng, đối tác bên ngoài. Bà Lan thẳng thắn: “Doanh nghiệp vừa muốn hưởng lợi từ mở cửa, vừa muốn nhà nước bảo hộ. Đừng có đòi hỏi Nhà nước phải làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân! Doanh nghiệp và nông dân phải tự làm cho mình trước”.