5 mùa giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô đáng nhớ nhất trong 20 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức đã bước qua tuổi thứ 20. Đây là một trong số rất ít những giải thể thao phong trào của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung được tổ chức quy mô, bài bản, tạo được tiếng vang lớn; là món ăn tinh thần được các thầy cô và các em học sinh háo hức chờ đợi sau mỗi dịp khai giảng. Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khi còn trên cương vị Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội từng nói: “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô được ngành Giáo dục cả nước biết đến và trở thành thương hiệu của ngành Giáo dục Thủ đô”.

Sức sống bền bỉ của giải là tấm gương phản chiếu phong trào thể thao nói chung, bóng đá nói riêng được các nhà trường chú trọng, quan tâm và đầu tư, góp phần đẩy mạnh giáo dục thể chất, đào tạo toàn diện cho các em học sinh. Giải bóng đá do Báo An ninh Thủ đô tổ chức được coi là sân chơi số 1 của tuổi học trò - nơi các em được rèn luyện về tính kỷ luật, sự trung thực, tinh thần “fair-play” và sự kết dính đồng đội. Mỗi mùa giải qua đi lại thêm một kỷ niệm đẹp với tất cả những ai tham dự. Hãy cùng chúng tôi nhớ lại 5 mùa giải đáng nhớ nhất trong suốt hành trình 20 năm đã qua.

Nhà báo Phi Điệp

Nhà báo Phi Điệp

2001 - Nơi tình yêu bắt đầu

Bất cứ giải đấu lớn nhỏ, có truyền thống nào cũng có điểm khởi nguồn. Và với giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức, năm 2001 chính là cột mốc lịch sử không thể nào quên. Thời điểm đó, cơ duyên đã đưa Trà Dilmah - một thương hiệu rất mạnh trong cộng đồng bóng đá phong trào đến với Báo An ninh Thủ đô để tạo nên một giải đấu riêng biệt và duy nhất cho giới học sinh cấp III tại Hà Nội.

Theo chia sẻ của ông Vũ Kim Thành, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, giải năm đầu tiên đã trải qua rất nhiều khó khăn trước để có thể lăn bóng. Khởi đầu muộn vì một số lý do khách quan, nên mọi công tác chuẩn bị đều phải được khẩn trương hoàn thành. Ông Vũ Kim Thành cho biết, Ban Biên tập Báo An ninh Thủ đô cũng như các cán bộ, phóng viên của Báo thời điểm đó bên cạnh công tác chuyên môn, phải dốc sức, dồn tâm trí cho khâu chuẩn bị. Nhà tài trợ đã có, nhưng việc xin giấy phép và các thủ tục liên quan khác đều phải được diễn ra trên tinh thần khẩn trương, cầu thị. Và rồi, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm, nhờ tinh thần vì một sân chơi tuyệt vời cho các em học sinh, giải đã diễn ra sôi nổi và thành công. Có 31 đội bóng đăng ký tham dự, mở đầu cho những “ngày hội” ở sân Quán Thánh. THPT Chu Văn An là đội giành chức vô địch, khép lại mùa giải đầu tiên với những cảm xúc không thể nào quên.

Một trận đấu nảy lửa trên Sân vận động Long Biên

Một trận đấu nảy lửa trên Sân vận động Long Biên

2005 - Những ngày “cháy bỏng” ở Long Biên

Sau 4 mùa ở sân Quán Thánh, Ban tổ chức giải có quyết định bước ngoặt ở năm thứ 5 tổ chức, khi đưa các trận đấu tới Sân vận động Long Biên - một trong những sân mà giới “phủi” Hà thành coi là huyền thoại.

Do điều kiện chung của ngày đó, sân Long Biên chưa có thảm cỏ nhân tạo như bây giờ mà chỉ là mặt đất nện. Những ngày nắng, các cầu thủ thi đấu giữa không khí hầm hập và bụi mù. Còn những ngày mưa thì ôi thôi lấm lem bùn đất do sân thoát nước rất chậm. Sân Long Biên không có khán đài nên các cổ động viên khi đến cổ vũ đều đứng ngay rìa đường piste, tạo nên không khí sôi động và gần gũi. Điều này đôi khi khiến các cầu thủ áp lực hơn, hoặc gây khó khăn cho những tình huống bóng ở biên... nhưng tất cả rồi cũng qua đi cùng những tràng cười giòn tan, vì với nhà tổ chức và cả các đội bóng tham dự, điều kiện có khó khăn thế nào thì cũng vượt qua được hết, miễn là vui!

Hơn một trăm đội bóng dự Lễ khai mạc mùa giải 2019

Hơn một trăm đội bóng dự Lễ khai mạc mùa giải 2019

2011 - “Chảo lửa” Tây Hồ

Tròn 10 năm trước, giải được đưa đến Sân vận động Tây Hồ - một trong những khu phức hợp thể thao hiện đại nhất của Thủ đô lúc bấy giờ. Mặt cỏ nhân tạo đẹp, hiện đại, khán đài rộng rãi, chỗ để xe rộng rãi... - tất cả thật khó có thể diễn tả hết sự háo hức của các đội bóng khi được thi đấu ở đây.

Ở mỗi buổi thi đấu, có hàng nghìn khán giả tới sân reo hò, cổ vũ cho các cầu thủ, với băng rôn, khẩu hiệu và những lá cờ ngập tràn sắc màu... tạo nên một không khí cực kỳ sôi động mà có lẽ nhiều đội bóng chuyên nghiệp ở V-League cũng phải mong muốn. Sân Tây Hồ đôi khi khiến các cổ động viên nhớ đến không khí của Sân vận động Hàng Đẫy - nơi đã tổ chức rất nhiều trận chung kết và tranh hạng Ba của giải.

Cho đến nay, Sân vận động Tây Hồ vẫn là địa điểm tổ chức có quãng thời gian gắn bó lâu nhất với Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô với 9 năm liên tiếp, trước khi giải được chuyển đến Sân vận động Hoàng Mai vào mùa giải năm 2020.

Trong giai đoạn gắn bó với Sân vận động Tây Hồ, THPT Trần Quốc Tuấn và THPT Nguyễn Thị Minh Khai là những đội thi đấu thành công nhất, với 3 chức vô địch chia đều cho mỗi đội.

“Đặc sản” của giải chính là các cổ động viên nhiệt thành và máu lửa

“Đặc sản” của giải chính là các cổ động viên nhiệt thành và máu lửa

2017 - Đơn giản là “Number 1”

Đây là năm đầu tiên nhãn hàng nước uống vận động Number 1 Active - Tập đoàn Tân Hiệp Phát trở thành nhà tài trợ chính cho Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô. Number 1 Active là loại nước giải khát được ưa thích nhất tại giải, với khả năng bù nước, bù khoáng và tiếp năng lượng tuyệt vời cho các cầu thủ sau mỗi trận đấu.

Trong năm 2017, giải đã lập kỷ lục về số đội tham dự, khi có tới 86 đội bóng đến từ 86 trường THPT trên địa bàn Hà Nội tranh tài. THPT Nguyễn Thị Minh Khai là đội vượt qua 85 đối thủ đáng gờm, trong đó đặc biệt là THPT Trần Quốc Tuấn ở trận chung kết, để bước lên ngôi vô địch. Mùa 2017 cũng chứng kiến số bàn thắng kỷ lục: 1.096 bàn, điều chưa mùa giải nào phá vỡ được sau này.

2019 - Kỷ lục vô tiền khoáng hậu có 103 đội tham gia thi đấu

Không chỉ lần đầu vượt qua mốc 100 đội, Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô lần thứ XIX-2019 Cúp Number 1 Active còn có số lượng tham dự lên tới 103 đội, một con số đáng kinh ngạc với các giải đấu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Sự lớn mạnh về quy mô đó như lời khẳng định về một thương hiệu, một giải đấu phong trào có uy tín và sức hút mạnh mẽ bậc nhất tại Thủ đô.

Con số 103 đội tham dự khiến cho tính cạnh tranh và hấp dẫn càng được đẩy lên mạnh mẽ. Không thể biết trước đâu là ứng cử viên lớn nhất cho ngôi vô địch, bởi sau mỗi năm, các đội bóng lại đón một lứa học sinh mới, với khát khao và hy vọng mới. Nhà đương kim vô địch hoàn toàn có thể bị loại bởi một tân binh, một đội bóng ít ai nhắc tới cũng có thể vượt qua một tên tuổi lớn tại giải. Số đội tham dự kỷ lục khiến giải có tới 217 trận đấu, nhiều nhất trong lịch sử. Đội đăng quang ở mùa giải này là một đại diện xuất sắc đến từ ngoại thành, THPT Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ).

Nhớ từng gương mặt đã làm nên thành công của giải

Đại tá Vũ Kim Thành - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô - Thành viên sáng lập giải.

Đại tá Vũ Kim Thành - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô - Thành viên sáng lập giải.

“Tôi còn nhớ như in những ngày đầu tiên, tôi và anh Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô thời điểm đó đã gặp gỡ, trao đổi về việc tổ chức giải với anh Hoàng Xuân Hồng, người đỡ đầu cho đội Trà Dilmah rất nổi tiếng khi đó. Vì cơ duyên mà An ninh Thủ đô được chọn để tổ chức giải, và sau này còn gắn bó với Trà Dilmah trong 5 năm liên tiếp. Chúng tôi tự hứa với lòng mình rằng phải làm đến nơi đến chốn, cho “ra hồn” không chỉ vì sân chơi cho các em học sinh, mà còn vì thương hiệu tờ báo.

Sau khi được đồng chí Nguyễn Quốc Triệu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào thời điểm đó đồng ý cho tổ chức, các lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội như thầy Lê Đình Lập, thầy Đoàn Hoài Vĩnh, thầy Nguyễn Hữu Bính - chuyên viên Phòng Giáo dục THPT; các anh lãnh đạo Sở Thể dục - Thể thao TP Hà Nội như ông Hoàng Vĩnh Giang, ông Nguyễn Đình Lân đều giúp đỡ, tạo điều kiện cho giải rất nhiệt tình. Chúng tôi bắt tay vào xây dựng Quy chế, Điều lệ cho giải, đề xuất thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức giải... với sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn như anh Phan Anh Tú, anh Nguyễn Huy Hinh của Liên đoàn Bóng đá Hà Nội; anh Nguyễn Tuấn Hùng (Trọng tài FIFA đầu tiên của Việt Nam) và sau này là các anh Trương Thế Toàn, Nguyễn Văn Hợi...

Mỗi khi tôi và anh Đào Lê Bình ra Văn phòng UBND TP Hà Nội xin Ủy ban phê duyệt Quy chế và Điều lệ giải hay xin ý kiến khen thưởng cho giải đã được các anh Đỗ Đình Hồng khi ấy là Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội (nay là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao), anh Trần Thế Cương khi ấy là Thư ký Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng (nay là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) giúp đỡ rất nhiệt tình, đặt niềm tin vào Báo An ninh Thủ đô sẽ tổ chức thành công giải...

Tất cả những gương mặt, những cái tên ấy đều trở thành một phần lịch sử của giải. Thoáng chốc đã 20 mùa giải trôi qua, và mỗi mùa đều có những cảm xúc, những điều đáng nhớ riêng. Năm ngoái, một số thành viên Ban tổ chức còn có ý tưởng đề nghị khen thưởng các trường THPT, các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc qua 20 năm; hoặc có các biểu tượng, kỷ niệm chương... dành tặng cho nhau để nhớ về một chặng đường 2 thập kỷ không thể nào quên của giải bóng đá học sinh. Rồi có người ước sang mùa giải thứ 21 sẽ đề nghị các nhạc sĩ sáng tác một ca khúc vừa vui, vừa say mê, trẻ trung và lãng mạn... làm bài hát truyền thống cho giải để các thế hệ học sinh, cầu thủ sau này ở những mùa giải thứ 25, thứ 30 và xa hơn nữa... luôn có thể mỉm cười và tự hào với Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô”.