5% học sinh THCS không biết một bài dân ca nào

ANTĐ - Khảo sát một số trường THCS có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào.

Đây là số liệu được cung cấp tại hội thảo "Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững tại Hà Nội" do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UNESCO phối hợp tổ chức ngày 24, 25-3.

Hiện nay, giảng dạy về di sản đã là yêu cầu với các trường phổ thông. Các dự án đưa di sản vào trường học có được tác động tích cực nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa…

Học về di sản văn hóa địa phương là cách để quý trọng, phát huy giá trị di sản

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hoá.

Quan niệm chỉ đạo là lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm; tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với học sinh và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương.

Hiện đã có nhiều địa phương chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công. Tỉnh Bắc Ninh,  Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, ở Phú Thọ có phong trào đưa hát Xoan vào trường học, Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then dạy học sinh phổ thông… Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia CLB Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng…

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng cho rằng việc đưa di sản vào dạy trong trường học cũng là cách để người địa phương biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho địa phương, góp phần tăng trưởng GDP chung của địa phương.

Cho đến nay VN đã có tổng cộng 9 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là: nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử và mới đây là Ví giặm Nghệ Tĩnh...