5 bài thi thử nghiệm THPT quốc gia và cách làm hiệu quả nhất với các thí sinh

ANTD.VN - Với 5 bộ đề tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố, việc giải được đề không quan trọng bằng việc các thí sinh, giáo viên rút được bài học gì từ bộ đề tham khảo này.

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố đề thi theo đúng dạng bài thí sinh sẽ đối mặt trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Cụ thể các đề thử nghiệm này có thể xem TẠI ĐÂY

TS Lê Thống Nhất mách nước cách sử dụng đề thi thử nghiệm của Bộ GD-ĐT

Với bộ đề thi tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố, việc giải được đề không quan trọng bằng việc giáo viên và thí sinh rút được bài học gì từ đề thử nghiệm này.

Thay vì chỉ tập trung vào làm bài và tìm đáp án so sánh, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia luyện thi môn Toán chia sẻ trên Bigschool những điểm cần là để giúp giáo viên, học sinh tận dụng hiệu quả nhất từ các bài thi thử nghiệm này

Trước tiên, khi nghiên cứu đề thử nghiệm thi trắc nghiệm, điều quan trọng không phải là xem đáp án nào đúng hoặc lời giải cụ thể cho mỗi câu mà thầy cô cần đặt câu hỏi cho mình: để chọn phương án đúng cho câu này có những cách suy nghĩ hay sử dụng những kiến thức nào?

Tâm lý thầy cô khi muốn học sinh mình giành điểm cao luôn nghĩ đến điều này. Bởi vậy, các thầy cô sẽ nhìn vào mỗi đề thi để tìm ra những câu hỏi ở mức vận dụng cao và xem rằng kiến thức hoặc tư duy cho câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải làm gì? 

Chẳng hạn từ đề minh hoạ môn Toán thì các câu ở mức độ vận dụng cao sẽ là các câu: 11, 21, 28, 34, 42, 50. Các câu này trải đủ 6 chương của chương trình môn Toán lớp 12, chỉ có 1 chương không có câu hỏi ở mức độ này.

Mức độ của các câu hỏi này là như thế nào? Từ đó chúng ta có thể đưa ra được giới hạn độ khó nhất của các câu hỏi trắc nghiệm. Đây là điều khác biệt nhất khi ra đề thi trắc nghiệm so với việc ra đề thi tự luận.

Tất nhiên việc xếp một câu hỏi nằm ở mức độ nào cũng chỉ là tương đối. Hôm nay có thể là vận dụng cao với học sinh nhưng ngày mai câu hỏi đó có thể chỉ là ở mức vận dụng thấp. Một câu hỏi đối với học sinh này thì thấy ở mức độ cao nhưng với học sinh khác câu đó chỉ là ở mức độ thấp.

Có thể khẳng định rằng: Với tính chất của câu hỏi trắc nghiệm (thời gian cho mỗi câu khá ngắn) thì các bài khó khi thi tự luận trước đây chắc chắn không nằm trong đề thi trắc nghiệm.

Với thí sinh, TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh: "các bạn học sinh đừng vội xem đáp án của Bộ GD-ĐT đưa ra. Các em hãy sắp lịch cho mình, để đồng hồ trước mặt và làm thử đề thi. Cũng đừng ngó kỹ đề thi các môn nhé! Khi nào thử sức mới nhìn luôn"

Theo nguyên tắc mà Bộ GD-ĐT đã khẳng định: các câu hỏi của đề trắc nghiệm sẽ sắp từ dễ tới khó bởi vậy các em cần tiết kiệm thời gian, không "đọc đi, đọc lại" toàn bộ đề thi làm gì nhé!

Điều quan trọng khi thử sức không chỉ là mình được bao nhiêu điểm mà quan trọng hơn là: mình đang hổng kiển thức nào? Lúng túng ở dạng câu hỏi nào? Khi đó, các bạn sẽ "lấp" ngay phần kiến thức đang hổng hoặc dạng câu hỏi mà biết còn thấy lúng túng.

"Giai đoạn này, chỉ còn 37 ngày nữa sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia nên rất cần một kế hoạch học tập luyện ôn thật chi tiết cho từng ngày rồi..." - TS Lê Thống Nhất tư vấn