5.000 vào trưa thứ bảy

ANTĐ - Hơn 4 tháng nay, cứ vào trưa thứ 7 hàng tuần, quán cơm 5000 lại xuất hiện tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Trung bình một ngày như vậy, quán cơm bán ra được từ 180-200 suất ăn, đã chia sẻ được rất nhiều khó khăn với những bệnh nhân nghèo.
5.000 vào trưa thứ bảy ảnh 1


Ý tưởng của những người trẻ tuổi

Chúng tôi có mặt tại một ngôi nhà nhỏ trên phố Xã Đàn vào một buổi sáng thứ 7. Đây là nơi tập kết nấu nướng của nhóm. Từ 4h30 phút sáng, các bạn đã lên đường đến các chợ đầu mối để mua thực phẩm. Ngay sau đó, ngôi nhà trở nên đông đúc, huyên náo lạ thường. Hàng chục các bạn trẻ ùa vào, người nhặt rau, người rán đậu, băm thịt.

Người khởi xướng quán cơm này là Nguyễn Thành Trung, quê Quảng Ninh. Vào cuối năm 2011, trong một lần lướt web, Thành Trung biết được thông tin về các quán cơm 2.000 đồng tại TP HCM và Huế. Vốn đã từng theo chân một số đoàn Phật tử làm cơm từ thiện cho trẻ em mồ côi, chàng thanh niên trẻ tuổi ấy có thể cảm nhận được sâu sắc niềm vui và ý nghĩa của hoạt động từ thiện này. Và trong đầu cậu hình thành ý tưởng một quán cơm như vậy tại Hà Nội. Nghĩ là làm, Trung chia sẻ ý tưởng của mình lên Facebook, cùng lúc vào TP HCM để tìm hiểu về quán cơm 2.000 đồng.

Ý tưởng của Trung sau đó đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Bốn thành viên đầu tiên ngoài Thành Trung, còn có Dương Hường, Vĩnh Nguyên, Như Lê. Tuy nhiên đến nay chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động, như một vết dầu loang, nhóm đã có được hơn 60 thành viên tham gia trực tiếp nấu nướng, đóng góp. Còn trên mạng xã hội Facebook, tại địa chỉ http: //www. facebook. com/ groups /com 5nghin/, nhóm đã thu hút hơn 1.600 người tham gia. Người trẻ tuổi nhất sinh năm 1997, còn tình nguyện viên lớn tuổi nhất hiện là anh Tùng SN 1975, công tác tại Hội Nông dân Việt Nam.

Địa điểm đầu tiên nhóm thuê là phòng trọ 15m2 với giá 2 triệu đồng/tháng tại khu vực Ngã Tư Sở. Những ngày đầu, chỉ có bốn anh chị em thực hiện các công việc như đi chợ, in tờ rơi, phát phiếu, vận chuyển các suất cơm. 

Những lần đầu tiên đưa cơm và đưa tờ rơi giới thiệu về quán, nhóm nhận được nhiều thắc mắc của người nhà bệnh nhân khi bán một suất cơm có giá trên thị trường từ 20.000-30.000 đồng mà chỉ có 5.000 đồng. Nhiều người còn không hiểu 5k có nghĩa là gì. Nhưng sau những bữa cơm đầu tiên, thì giờ đây quán cơm 5.000 đã trở thành địa chỉ thân thiết của những người có hoàn cảnh khó khăn tại đây.


Việc làm có ý nghĩa

10h, các thùng cơm và thức ăn được chở đến cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Do số lượng có hạn nên chỉ những người có phiếu mới được mua cơm tại quán. Các món ăn hôm nay có đầy đủ su su luộc, rau xào, cá kho, thịt viên sốt cà chua, đậu rán… Bác Nguyễn Văn Nam, Kỳ Thủy, Hòa Bình nhận một suất cơm nóng hổi đầy xúc động: Con tôi phải điều trị suy thận tại bệnh viện đã nhiều năm. Thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nên tôi phải ở bệnh viện với cháu suốt. Trước đây, chưa có quán cơm 5.000 thì tôi thường ăn bánh mỳ, mỳ tôm trừ bữa, thỉnh thoảng mới ăn cơm suất rẻ nhất là 20.000 đồng mà còn không được nhiều thức ăn như ở đây. Nhưng đáng tiếc là quán cơm chỉ bán vào trưa thứ 7, nếu có thể bán cả tuần thì tốt biết bao.

Đó cũng là niềm mong mỏi của hầu hết những bệnh nhân nghèo và người nhà tại đây. Chi phí thuốc men, điều trị đã khiến nhiều gia đình tại các vùng quê trở nên khánh kiệt, túng quẫn. Tiền điều trị cho con còn không có huống chi tiền ăn hàng ngày. Do đó những bữa cơm 5.000 thực sự có ý nghĩa thiết thực. Những ngày đầu quán cơm chỉ bán 60-70 suất. Nhưng đến nay đã lên tới 200 suất vẫn không đáp ứng hết được nhu cầu của mọi người đủ cho thấy những suất cơm như thế vẫn rất cần đối với bệnh nhân nghèo.

Tuy nhiên do số thành viên có hạn, lại đều đang là học sinh, sinh viên nên chỉ ngày cuối tuần, được nghỉ học, các bạn mới có thể đi chợ, nấu cơm. Khi được hỏi làm thế nào để các bạn có thể nấu được một suất cơm mà nguyên liệu đã vượt 5.000 đồng, trưởng nhóm Thành Trung chia sẻ: Nếu tính đúng số tiền bỏ ra và thu về thì lỗ. Tuy nhiên nhóm được một số thiện nguyện ủng hộ và một số người đóng góp đồ dùng, thức ăn, công sức… Hàng ngày, tất cả những ai ủng hộ đóng góp vật chất, thu chi đều được nhóm công khai trên công cụ google.doc. Việc công khai mọi khoản chi tiêu của nhóm để mọi người hiểu. Từ đó mới có thể thực sự chia sẻ được các hoạt động. 

Nhóm đang dự định sẽ tăng số suất ăn lên 250, đa dạng hóa các thực đơn, tìm hiểu những món ăn không phù hợp với trẻ em và những người bệnh để loại bỏ. Cùng với Bệnh viện Nhi Trung ương, nhóm cũng mong muốn mở thêm một điểm bán cơm 5.000đ tại Bệnh viện K Hà Nội, nơi cũng có rất nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ.