49% doanh nghiệp từng gặp phiền hà về thủ tục thuế

ANTĐ - Báo cáo Doing Bussiness 2016 được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế, chưa kể phí và các khoản chi phí “không tên” khác. 

Ngành thuế có nhiều cải cách nhưng vẫn chưa đủ

Có cải thiện nhưng còn cản trở

Cụ thể, WB đánh giá, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 3 bậc, với 5/10 chỉ số được cải thiện. WB cũng ghi nhận những cải cách của Việt Nam về khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, chỉ số nộp thuế… Riêng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã giảm 102 giờ, cải thiện 4 bậc, song vẫn xếp thứ hạng thấp so với các nước trong khu vực. 

Đáng chú ý, tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận vẫn còn ở mức khá cao, chiếm tới 39,4%. Trong đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm 24,8% và thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng là 14,5% và thuế khác là 0,1%.  

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho biết thêm, mức bình quân về tỷ suất thuế, bảo hiểm bắt buộc trên lợi nhuận doanh nghiệp của các nước ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) là 31%, thấp hơn Việt Nam 4,5%.

Trong đó, tỷ lệ đóng góp bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam là 23,7%, cao gấp đôi so với tỷ lệ của các nước ASEAN 6 là 11%. Còn tỷ suất thuế lại thấp hơn nhiều so với ASEAN 6. Mặt khác, do tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2016 giảm nên tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc tăng lên 39,34%. 

Đánh giá về tỷ lệ nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận của doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thuế suất vẫn là lực cản với sự phát triển của doanh nghiệp. 

Chia sẻ thêm về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một kết quả khảo sát do cơ quan này thực hiện. Cụ thể, 49% doanh nghiệp từng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế. Khảo sát cũng cho thấy, 52% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra thuế bởi nhiều cơ quan khác nhau.

Phải thúc đẩy cải cách

Theo các chuyên gia, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra và nhiều bộ, ngành đã thực hiện. Điều này giúp cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 tăng lên. Bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, bảng xếp hạng 2015 của WB kết thúc vào tháng 12-2014 nên những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành thuế trong năm 2015 sẽ được ghi nhận trong xếp hạng năm 2016 của WB sẽ được công bố vào tháng 10 tới đây.

Đối với lĩnh vực thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, nỗ lực của ngành thuế trong những năm qua được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Nỗ lực được thể hiện rõ trong thực hiện cải cách cả về hệ thống chính sách thuế và quản lý hành chính thuế.

Liên quan tới kế hoạch cải cách các thủ tục thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế cũng như xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử.  

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, kết quả những nỗ lực cho thấy, trong năm 2016, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã đạt mức bình quân các nước ASEAN 6 sau khi giảm 102 giờ. Trong đó, bảo hiểm xã hội giảm 62 giờ và thuế giảm 40 giờ.

Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế. Trong đó, chỉ tiêu nộp thuế và bảo hiểm xã hội là 155 giờ.

Đồng thời, tối thiểu 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.