40 nguy cơ xung đột quân sự Nga-NATO trong 8 tháng “hậu Maidan”

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã tạo ra một bước ngoặt mới tồi tệ hơn trong quan hệ giữa Nga-Ukraine và Nga-Mỹ-NATO. Ngoài sự “hờn giận” về mặt chính trị, 2 bên còn có nhiều cuộc đối đầu có nguy cơ biến thành xung đột quân sự.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã gây ra nhiều hậu quả hơn người ta tưởng. Nó không chỉ khoét sâu thêm mâu thuẫn dân tộc giữa miền Đông với miền Tây của Ukraine, giữa Moscow với Ukraine mà còn làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và NATO, tiềm tàng khả năng đẩy thế giới bước vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Về mặt kinh tế, sự trừng phạt của Washington và Brussels đối với Moscow cũng tạo ra những nút thắt trên con đường giao thương giữa phương đông và phương Tây, khiến Nga phải ngoảnh sang châu Á, đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc để phá bỏ thế bao vây cấm vận của Mỹ và EU.

Về mặt quân sự, cả Nga và NATO đều đang có sự điều chỉnh chiến lược quân sự cho phù hợp với tình hình mới. Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương thành lập một lực lượng phản ứng nhanh mới ở châu Âu, đồng thời triển khai hàng loạt căn cứ quân sự mới xung quanh nước Nga.

Còn Nga cũng cải tạo và nâng cấp sức mạnh của hạm đội biển Đen nhằm khống chế toàn bộ vùng biển này và thành lập các căn cứ không quân tiền tiêu ở Belarus, đồng thời ngấm ngầm tăng cường sức mạnh cho lực lượng ly khai đông nam Ukraine nhằm tạo ra một “vùng đệm” đối phó với chiến lược “tiến về phía đông”.

Cục diện căng thẳng bất đầu được khơi mào bằng cuộc chính biến trên quảng trường Độc Lập ở Kiev, lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2 vừa qua. Mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa NATO và Nga đã gia tăng đáng kể sau khi Crimea sát nhập Liên bang Nga hồi tháng 3.

40 nguy cơ xung đột quân sự Nga-NATO trong 8 tháng “hậu Maidan” ảnh 1

 Khu trục hạm Aegis USS Donald Cook của Mỹ đã bị 1 chiếc Su-24 của Nga
đe dọa trên biển Đen hồi tháng 4 năm nay

Trong vòng 8 tháng sau khi Crimea trở về vòng tay Moscow, Nga và NATO đã phát sinh nhiều sự cố va chạm, đã có 40 lần “mấp mé” bờ vực chiến tranh.

Điều này được nêu rõ trong báo cáo có nhan đề "Sự cân bằng nguy hiểm trên bờ vực chiến tranh" do các chuyên gia thuộc “Cộng đồng các nhà lãnh đạo Châu Âu vì giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương và không phổ biến hạt nhân” (European Leadership Network-ELN) đưa ra.

Trong 8 tháng qua, họ tính toán là đã có khoảng 40 sự cố nguy hiểm tiềm tàng giữa Nga và các quốc gia NATO, trong đó có 11 vụ nghiêm trọng nhất. Đặc biệt, các chuyên gia của ELN đã nêu lên 3 sự cố nghiêm trọng mà theo quan điểm của họ, có thể phát triển thành xung đột quân sự trực tiếp. 

Đó là sự cố máy bay gián điệp của Moscow, vụ lực lượng cảnh sát Nga bắt giữ nhân viên an ninh đặc biệt của Estonia, cũng như vụ tàu ngầm được cho là của Nga bị Thụy Điển cáo buộc xâm nhập trái phép vào lãnh hải của họ ở vùng biển lân cận thủ đô Stockhom.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự độc lập, có khá nhiều va chạm hay sự kiện đáng lo ngại về quân sự mà cả 2 bên đều tránh né không đề cập đến như các cuộc diễn tập mang tính “khiêu khích” của cả 2 bên hay việc Nga liên tiếp phóng thị uy tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tàu chiến Mỹ-NATO xâm nhập biển Đen, áp sát Nga…


40 nguy cơ xung đột quân sự Nga-NATO trong 8 tháng “hậu Maidan” ảnh 2 Máy bay chiến đấu Typhoon của NATO bay lên ngăn chặn
máy bay ném bom Tu-95MS của Nga

Điển hình như vụ ngày 12-4 năm nay, một chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga đã áp sát và có những động tác bay mang tính đe dọa đối với khu trục hạm Aegis USS Donald Cook của Mỹ khi nó xâm nhập vào biển Đen. Sự việc tương tự cũng xảy ra hồi tháng 9 với tàu hộ vệ FFH-333 HMCS Toronto của Canada.

Trong tháng 7 cũng có vụ việc một chiếc máy bay trinh sát điện tử RC-135 của Mỹ cũng đã bị máy bay Nga áp sát đe dọa khiến nó quá hốt hoảng phải xâm nhập trái phép vào không phận Thụy Điển để chạy trốn hay vụ mấy chục máy bay ném bom và tiêm kích Nga bay tuần đường dài bị không quân NATO bay lên ngăn chặn cuối tháng 10 vừa qua.

Trong các vụ việc trên, tuy cả Nga và NATO đều chỉ “đề phòng và răn đe lẫn nhau” nhưng tính chất của vụ việc hết sức nguy hiểm. Chỉ cần các nhân viên tác chiến sơ suất là có thể gây ra những va chạm không đáng có, không những gây tổn thất về con người và phương tiện mà còn có thể khơi mào xung đột quân sự.

Vì vậy, bản báo cáo của ENL đã đưa ra ba khuyến nghị chính cho lãnh đạo quân sự-chính trị của Nga và NATO. Thứ nhất là "ban lãnh đạo Nga phải khẩn trương xem xét lại chi phí và rủi ro của việc tiếp tục chính sách quân sự cứng rắn của mình, và ngoại giao phương Tây nên tập trung vào việc thuyết phục Nga di chuyển theo hướng này".

Theo các chuyên gia, vấn đề thứ 2 cần chú ý là tất cả các bên phải “hết sức kiềm chế” về cả chính trị và quân sự. Các chuyên gia của ELN đưa ra khuyến nghị thứ 3 là NATO và Nga cần phải cải thiện vấn đề giao tiếp hai chiều giữa quân đội 2 bên, tăng cường các kênh thông tin và hoạt động giao lưu để “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”.