40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng

ANTD.VN - Chia tay nhau ở Công an huyện Văn Quan. Triệu Văn Điện tiếp tục được điều lên hỗ trợ chiến đấu ở pháo đài Đồng Đăng. Nguyễn Văn Bình trở lại đơn vị cũ ở Cao Bằng. Phùng Văn Hiền được đưa ra bệnh viện tuyến sau để điều trị vết thương ở mắt và đầu. Nhưng rồi, cả chục năm sau, họ vẫn nhớ về 4 ngày đêm không ngủ, vượt vòng vây của địch ở hang đền Mẫu năm 1979 mà đi tìm nhau…

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 1Pháo đài Đồng Đăng nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt nhất chống quân xâm lược Trung Quốc tháng 2-1979, rất nhiều phụ nữ, trẻ em đã bị quân Trung Quốc giết hại tại đây

“Anh còn nhớ anh đã xé áo băng vết thương cho em không?”

Sau những ngày tháng điều trị từ bệnh viện dã chiến ở Bình Chung, Cao Lộc, Lạng Sơn rồi tới Viện mắt Trung ương ở Hà Nội. Anh công an trẻ Phùng Văn Hiền, với một mảnh đạn găm ở hộp sọ, tiếp tục trở về đơn vị cũ và được phân công công tác ở Công an huyện Văn Quan.

Kể với chúng tôi về cái duyên đến với ngành công an, rồi gắn bó tới 36 năm cho tới ngày nghỉ hưu, năm 2014, Trung tá Phùng Văn Hiền bảo: “Như một lẽ tự nhiên, học xong lớp 9, thấy có đợt tuyển công an thì làm hồ sơ”. Ông chính thức vào ngành ngày 10-10-1978. Đến ngày 1-1-1979 thì được điều về Đồng Đăng. Đến ngày 17-2-1979 thì xảy ra cuộc chiến.

“Lúc đó tiểu đội tôi vừa dậy, bỗng đâu pháo đánh dồn dập. Điện phụt tắt. Tiếng người hò hét lúc đó to lắm, nhưng tôi vẫn nghe rõ lời chỉ huy nói: “Theo phương án”. Tức là một số lên pháo đài Đồng Đăng, số còn lại lên hang đền Mẫu. Địch từ bên kia biên giới tràn sang ta, bắn rát lắm…”- Trung tá Phùng Văn Hiền nhớ lại.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 2Anh hùng LLVT Triệu Văn Điện (thứ 3, từ trái sang)

Trung tá Phùng Văn Hiền kể tiếp: “Lúc mai phục ở cửa hang đền Mẫu, có tốp lính Trung Quốc tràn vào thị trấn. Tiểu đội tôi định tiêu diệt, nhưng dân sơ tán bên trong hang nhiều quá. Nếu bắn thì lộ. Ảnh hưởng tới người dân, nên chúng tôi phải án binh bất động. Khi đó đạn cối địch bắn rất nhiều. Tôi bị một mảnh cối găm vào đầu và vào mắt. Tôi ngất đi không biết trong thời gian bao lâu. Khi tỉnh dậy một mắt tôi tối mù, mắt còn lại thì chỉ thấy mờ mờ, quanh tôi đồng đội hy sinh rất nhiều. Tôi nhận ra thi thể của đồng chí Hoàng Văn Duy và Dương Công Khoa đều là người Bắc Sơn, Lạng Sơn. Tôi thấy đồng chí Dương Công Bảy nằm gần mình, liền gọi, hỏi có sao không. Đồng chí Bảy nói không sao, nhưng không dậy nổi. Lúc đó tôi còn nghĩ là quái lạ, không bị thương mà lại không dậy nổi. Mãi sau này mới biết đó là sức ép của bom đạn”.

Rồi anh công an trẻ Phùng Văn Hiền lại ngất đi. Khi tỉnh dậy được mọi người xung quanh kể là có anh bộ đội đã xé chiếc áo duy nhất trên người để băng bó vết thương cho anh, rồi dìu anh vào hang.

Mãi đến năm 1986, đi họp hội đồng ngũ, Hiền mới gặp Triệu Văn Điện và hỏi có biết thông tin gì về Nguyễn Văn Bình không. Triệu Văn Điện nói biết, đã tìm được cả nhà của anh Bình và hẹn lúc nào rảnh rỗi thì đưa tới.

Rồi số phận sắp đặt thật khéo léo. Qua một người hàng xóm, ông Hiền tìm được tới nhà ông Bình ở thị trấn Đồng Đăng. “Ban đầu anh Bình cứ ớ ra, còn hỏi tôi cả giấy tờ, sau rồi tôi mới bảo cái ngày 17-2-1979, anh còn nhớ đã xé áo băng vết thương cho em không?”. Rồi hai anh em ôm chầm lấy nhau.

Bây giờ, 3 người lính ấy đều đã bước qua tuổi 60. Vì lớn tuổi nhất nên ông Nguyễn Văn Bình vẫn trìu mến gọi đồng đội năm xưa là: “chú Điện, chú Hiền”. Họ sống và chăm chút nhau như anh em ruột thịt. Hễ nhà ai có công có việc thì 2 người còn lại đều xắn tay vào làm. Ốm đau thì thăm nom hỏi han, khó khăn thì ân cần giúp đỡ. Những ngày chiến đấu ác liệt để bảo vệ Tổ quốc vì thế mà đã nhân thêm lên cho họ những điều thiêng liêng.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 3Đại tá Triệu Văn Điện và cháu nội

Khoảng lặng sau cuộc chiến đấu

Dù ông Nguyễn Văn Bình tham gia chiến đấu, lập được chiến công, cứu sống được rất nhiều người dân địa phương, đồng đội cùng chiến đấu trong hang Đồng Đăng ngày đó vẫn còn nhiều và đã lên tiếng, nhưng cho đến giờ, công lao ấy của ông vẫn chưa được công nhận. 

Mấy năm trước, nhờ Đại tá Triệu Văn Điện đứng ra xác nhận thì ông Bình mới có được bảo hiểm y tế (mã CB2). Cũng là tình cờ, đúng hôm chúng tôi tới thăm nhà ông thì ông đi viện về và kể. Mọi ngày thẻ bảo hiểm là mã CB2, tức là được thanh toán 100% viện phí. Thế mà từ đận đổi thẻ cuối năm, mã thẻ của ông đã bị đổi sang CB4 từ khi nào, do mắt kém ông cũng không để ý. Thẻ bảo hiểm CB4 thì chỉ được thanh toán có 80% viện phí thôi. Ông hy vọng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho ông.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 4Ông Nguyễn Văn Bình và Phùng Văn Hiền đã trở thành người nhà sau khi tìm thấy nhau năm 1986

Đem chuyện ông Nguyễn Văn Bình, chúng tôi tìm đến Đại tá Triệu Văn Điện. Ông Điện thở dài bảo, anh Bình từng là bộ đội, thời điểm đó bên Công an không đề xuất chính sách cho anh ấy được. Lãnh đạo lúc đó cấp bậc mới chỉ thượng úy, thành tích không ai báo cáo. “Chỉ có tôi là sát cánh cùng anh ấy chiến đấu, đêm hôm mò xuống thị trấn, lục từng xác địch để lấy súng và lương khô mang lên cho dân ăn. Lúc nguy cấp ở trên hang đền Mẫu, đơn vị tôi giao việc gì anh ấy cũng hoàn thành xuất sắc. Rồi thì đưa dân ra khỏi hang, anh ấy như một cán bộ tinh thần. Rồi anh ấy về đơn vị, hết thời gian đi nghĩa vụ thì ra quân, xuất ngũ bình thường, không có chính sách gì đặc biệt. Mấy năm sau tôi mới tìm thấy anh ấy…”- Đại tá Triệu Văn Điện, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an tỉnh Lạng Sơn nói.

Đại tá Triệu Văn Điện bảo, bây giờ thế nào cứ người thật việc thật mà nói, không giấu giếm nữa, 40 năm đã qua rồi. Có nhiều đồng chí hy sinh, gia đình cho tới giờ vẫn đi tìm mộ. Nhưng quả thật là có những đồng chí của ta sau khi hy sinh thì bị xe tăng địch chạy qua nghiền nát. Thi thể anh Dong, anh Trực, anh Duy bị địch gom lại rồi tưới xăng đốt. Có hai đồng chí cùng tên Hạnh, khi đưa vào nghĩa trang liệt sỹ thì bên chỗ Thương binh xã hội đang phải làm giám định AND, chắc mấy tháng nữa thì có kết quả.

Trường hợp anh Hoàng Văn Thực chưa được công nhận là thương binh cũng khiến Đại tá Triệu Văn Điện áy náy chưa nguôi. Anh bị thương trong những ngày tháng 2 lịch sử ấy, giờ teo một chân, giấy tờ mất mát cả, đề xuất mấy lần vẫn chưa xong.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 5Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Ty Công an Lạng Sơn nghe phổ biến kế hoạch trước giờ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 17-2-1979 (Ảnh tư liệu Bảo tàng CAND)

Hồn thiêng các anh hòa cùng sông núi Tổ quốc

Vấn đề tri ân, giải quyết chế độ chính sách cho liệt sĩ, thương binh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài trong 10 năm từ 1979-1989 cho đến nay vẫn còn canh cánh trong lòng biết bao cựu chiến binh.

Trung tá Nguyễn Xuân Thu, nguyên Trung đoàn trưởng E 102-F327-QK1, nguyên Phó Trung đoàn trưởng E41F3.QK1; Trung úy Nguyên tiểu đoàn trưởng Đoàn 4, chiến đấu ở biên giới phía Bắc từ tháng 9-1978 đến 1-1981 kể, sau khi quân xâm lược rút, công tác giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ gặp vô cùng khó khăn, phức tạp vì khi bộ đội hy sinh mà đơn vị lại liên tục chiến đấu do đó về cơ bản không thể giải quyết hậu quả sau ngày một ngày hai.

Chỉ đến sau ngày 5-3 mới được thực hiện và tiểu đoàn của ông khi đó đã mở chiến dịch thành lập ban giải quyết do đồng chí Chính trị viên Phó Tiểu đoàn làm Trưởng ban, hơn 2 tháng liên tục tìm kiếm, quy tập xong vẫn không thể làm triệt để. Thời gian sau đó, cả tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn cũng tập trung lực lượng và thời gian, nhưng cho đến nay 40 năm qua đi mà vẫn còn đó những liệt sĩ hy sinh tháng 2-1979 đang còn nằm lại rải rác trên các trận địa phòng ngự của tiểu đoàn, đặc biệt là các liệt sĩ đang nằm lại trong pháo đài Đồng Đăng. 

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc: Nhân lên những điều thiêng liêng ảnh 6Chiến sỹ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm giữ chốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch trong ngày 17-2-1979 

Trung tá Nguyễn Xuân Thu bảo, 40 năm sau, đó là nỗi canh cánh, trăn trở khôn nguôi trong lòng ông. Ông như thấy mình còn đang nợ món nợ nghĩa tình lớn với những người đồng đội cùng chiến đấu hy sinh nay chưa được cất bốc mang về an táng. Hồn thiêng của các anh hòa cùng sông núi biên cương Tổ quốc!

“Tôi mong các đơn vị địa phương, các cấp, các ngành cùng chung tay để tiếp tục tìm kiếm, cất bốc đưa đồng đội của tôi về đúng nơi mà các anh xứng đáng được an nghỉ ngàn thu. Đồng thời cần có bia tưởng niệm tại pháo đài Đồng Đăng và một số địa danh trọng điểm khác”- Trung tá Nguyễn Xuân Thu mong muốn.

Còn đối với cựu chiến binh Phạm Văn Quang, sau những năm tháng chiến đấu ở biên giới phía Bắc, năm 1983 ông được điều động về Ban chỉ huy Thành đội Thái Nguyên và giữ chức chỉ huy phó. Đến năm 1993, ông được phong quân hàm trung tá và nghỉ hưu. Miêu tả công việc của mình sau khi nghỉ hưu, ông hài hước rằng: “Hết chiến đấu ở chiến trường, tôi quay về chiến đấu ở thương trường”. Ông vừa thành lập công ty thương mại của gia đình, vừa đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Công việc là thế nhưng ông bảo chỉ dành 30% cho công việc, 70% còn lại là để xây dựng các chương trình công tác xã hội, hỗ trợ người có công trong kháng chiến, tìm và kết nối những cựu chiến binh năm xưa, xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội. Bởi lẽ: “Đất nước đã hòa bình và tốt đẹp rồi thì phải nhớ những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Cái gì chưa đúng thì sửa lại…”.