4 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Tin tưởng ở sự đột phá

ANTĐ - Hôm nay, 1-8-2012, đúng 4 năm ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội. Qua gần 1.500 ngày, TP đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức, giải quyết được khối lượng công việc đáng ghi nhận... Song, phía trước vẫn còn vô vàn thử thách mà Hà Nội phải gắng sức vượt qua.

Cơ sở hạ tầng trục phía Tây thành phố Hà Nội đang phát triển vượt bậc


Điểm sáng nhân sự

Nhìn lại 4 năm qua, công tác nhân sự vẫn được xem là điểm sáng của TP Hà Nội mở rộng. Nhớ lại giai đoạn trước thời điểm 1-8-2008, nhiều người cho đây là khâu phức tạp nhất sau khi tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, bộ máy nhân sự của Thủ đô mở rộng đã được sắp xếp, bố trí một cách khoa học, hợp lý, hợp tình và quan trọng nhất là hoạt động trôi chảy, hiệu quả, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ. Trải qua 4 năm, với nhiều đợt luân chuyển, sắp xếp lại, bộ máy của TP đã bớt cồng kềnh, từ cấp lãnh đạo sở ngành, quận huyện cho tới các phòng ban, đơn vị cấp 2. Mỗi năm, Hà Nội có từ 1 tới 2 đợt luân chuyển cán bộ (thuộc diện Thường vụ Thành ủy quản lý) từ sở, ngành về quận, huyện và ngược lại.

Tuy TP áp dụng mạnh mẽ việc luân chuyển cán bộ, thế nhưng, năng lực quản lý ở cơ sở, sau 4 năm mở rộng, dù có cải thiện nhưng vẫn có sự chênh lệch không nhỏ giữa các quận, huyện, đặc biệt là ở một số lĩnh vực nóng như quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng. Không ít lãnh đạo các quận, huyện tại các kỳ cuộc lớn của TP vẫn kêu quá thiếu cán bộ chuyên môn thạo việc. Có quận, huyện không giấu giếm việc không có lấy dù chỉ... một cán bộ được đào tạo chính quy chuyên ngành quy hoạch.

Ngổn ngang mối lo

Hệ quả tất yếu của việc thiếu cán bộ quản lý giỏi, có trách nhiệm ở cơ sở và thói quen làng xã vốn có ở phần đông cư dân là vi phạm đất đai và trật tự xây dựng luôn là mối lo thường trực. Con số công bố gần đây phản ánh thực tế đáng buồn này. Cụ thể, chỉ từ 1-1-2010 tới nay, trên địa bàn thành phố có tới 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 1.104 trường hợp lấn chiếm đất đai để xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công... Công bằng mà nói, nhiều vi phạm trong số đó đã có từ trước khi các địa phương sáp nhập về Hà Nội. Đơn cử, giữa năm 2008, khi “về” với Hà Nội, chỉ riêng phường Dương Nội (Hà Đông) cũng đã có tới gần 1.000 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. 

“Bệnh” thiếu nguồn lực luôn là vấn đề với một thành phố khao khát vươn lên như Hà Nội mở rộng. Thế nên, bên cạnh những đề xuất về cơ chế, chính sách, khi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, Hà Nội thường đề nghị bố trí vốn đầu tư cho các công trình, dự án lớn trên địa bàn TP. Đất đai, vốn là nguồn lực quan trọng bậc nhất của Thủ đô, nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng từ hơn 18 tháng nay, khả năng khai thác của TP đã bị giảm sút nghiêm trọng.

4 năm qua, TP đã ưu tiên đầu tư mạnh cho khu vực nông thôn, nhất là nhóm hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước. Lượng tiền vốn đổ vào đây rất lớn song dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Những bức xúc về thiếu nước sạch, tình trạng ô nhiễm môi trường, bãi chôn lấp rác thải chật chội, hệ thống đường sá sập sệ, xuống cấp... vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Đây là thực tế tất yếu bởi xuất phát điểm của khu vực nông thôn Hà Nội vốn ở mức thấp, không dễ gì “lột xác” trong chỉ vài năm về với Thủ đô.

Chờ đợi Luật Thủ đô

Xét trên bình diện chung, kinh tế Thủ đô tuy có sự tăng trưởng khá so với các địa phương trong cả nước nhưng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực tế này. Một phần vì nội lực của TP có hạn, trong khi lại phải “gồng” mình lên để ứng phó với hàng loạt bất ổn kinh tế vĩ mô trong 4 năm qua. Thêm vào đó, do hệ quả bắt buộc của việc mở rộng địa giới hành chính, gần 800 dự án, đồ án trên địa bàn đã bị đình trệ thời gian khá dài. Tới nay, TP vẫn còn tới 500 dự án, đồ án đang chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền để được tiếp tục triển khai.

Kể từ ngày Thủ đô mở rộng, Hà Nội vẫn “đeo đuổi” 2 văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, quyết định sự phát triển của TP trong nhiều thập kỷ tới. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt, TP đang gấp rút xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành... để làm cơ sở pháp lý cho việc kiến thiết Thủ đô. Ở một diễn biến khác, Hà Nội vẫn đang chờ đợi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua.

Theo nghị trình, tại kỳ họp thứ 4, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10-2012, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự luật đặc biệt quan trọng này. Theo đề xuất ban đầu, dự luật sẽ đưa ra nhiều công cụ hữu hiệu, phục vụ cho việc phát triển và quản lý Thủ đô. Đương nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Hà Nội mở rộng vẫn đang trong hành trình tìm kiếm cho mình đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm, đủ khả năng vận dụng tối đa những công cụ đó để xây dựng, quản lý Thủ đô đạt tới kỳ vọng mà người dân mong đợi.

Gần 4 năm sau ngày mở rộng, tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XIV đầu tháng 7 vừa qua, TP Hà Nội mới thống nhất được mức học phí chung áp dụng trên toàn thành phố đối với các bậc học mầm non, THCS và THPT. Trước đó, cùng một bậc học nhưng mỗi địa bàn thu một kiểu. Chẳng hạn, ở bậc học nhà trẻ khu vực nông thôn, Hà Nội thu 15.000 - 70.000 đồng/cháu/tháng trong khi Hà Tây (cũ) thu 20.000 đồng; Hòa Bình thu 12.000 đồng và Mê Linh chỉ thu có 7.000 đồng. Chỉ qua một ví dụ như vậy, có thể thấy được sự phức tạp và khối lượng công việc đồ sộ đã xử lý khi Hà Nội phải điều chỉnh, sửa đổi vài trăm cơ chế, chính sách có độ “lệch pha” giữa 4 khu vực khác nhau trước khi hợp nhất.