4 bệnh nghiêm trọng liên quan đến vẩy nến

ANTD.VN - Vẩy nến - một bệnh về da khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 7,5 triệu người Mỹ, có liên quan đến các hội chứng chuyển hóa, một chuỗi các triệu chứng có thể dẫn đến tiểu đường và bệnh tim mạch. Các nguy cơ sức khỏe sẽ lớn hơn nếu người mắc bệnh ở tuổi còn trẻ hoặc bệnh vẩy nến ở mức độ nghiêm trọng.
 

Béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2

Những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn 50% khả năng bị bệnh vẩy nến so với những người không bị tiểu đường và những người béo phì với chỉ số BMI trên 35 tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh vẩy nến so với những người có trọng lượng bình thường, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ. 

Loãng xương

Nghiên cứu hiện nay cho thấy có một mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng viêm da với yếu xương. Khi các nhà nghiên cứu chụp CT 100 bệnh nhân vảy nến, họ phát hiện thấy hầu hết bị mất xương cùng với mức tăng của một chất gọi là cytokine IL-17A - một protein hệ miễn dịch ức chế hoạt động tạo xương. Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Roma năm 2015 cho thấy, 60% bệnh nhân bị bệnh vẩy nến có khối lượng xương thấp và 18% loãng xương.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nguy cơ thiếu xương và loãng xương tăng 5% mỗi năm ở những người mắc bệnh vẩy nến. Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh vẩy nến, như Cosentyx (secukinumab) và Taltz (ixekizumab) hoạt động bằng cách ngăn chặn các cytokine IL-17A, do đó ngăn ngừa mất xương. 

Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng

Theo một nghiên cứu của trường ĐH Harvard, khoảng 10% phụ nữ bị bệnh vẩy nến tiếp tục phát triển bệnh viêm ruột như Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Theo các nhà khoa học, các bệnh này có tính di truyền giống nhau: sự gián đoạn cytokine interleukin-12 và interleukin-23 giúp điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều thú vị là, Stelara (ustekinumab) một trong những phương pháp điều trị được FDA chấp thuận cho bệnh vẩy nến có thể cản trở các cytokine và cũng đã được chứng minh để cải thiện các triệu chứng của bệnh Crohn.

Trầm cảm

Khoảng 16,5% bệnh nhân vảy nến có dấu hiệu bị trầm cảm nặng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, những người bị vẩy nến thường có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gần 40% so với những người không bị bệnh này. Vẩy nến không thể chữa khỏi được, nhưng có thể kiểm soát được. Bạn cũng không nên ngần ngại khi trao đổi các vấn đề về cảm xúc của mình với các bác sỹ điều trị, đặc biệt là nếu bạn thấy mình bị trầm cảm. 

Vẩy nến là một bệnh ngoài da phổ biến thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, chân, lưng và một số bộ phận khác trên cơ thể. Đây không phải là bệnh lý ác tính nhưng khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nguyên nhân chính xác của vẩy nến đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền và rối loạn hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Nghiện bia, rượu và thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Ngoài ra, còn một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng hơn như: stress, nghiện bia rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, ô nhiễm môi trường, rối loạn nội tiết… 

Cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh vẩy nến là: thực hiện lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá; bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, ăn nhiều hoa quả tươi, chứa nhiều chất xơ như các loại rau họ cải, các loại quả, củ có màu sắc; thường xuyên uống nước; hạn chế căng thẳng, giảm stress, tập thể dục hàng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.