38 bệnh viện Trung ương liên thông kết quả xét nghiệm: Người bệnh đỡ tốn tiền, giảm phiền hà

ANTD.VN - Bắt đầu từ sáng 1-8, 38 bệnh viện tuyến Trung ương bắt đầu triển khai thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau.

Qua ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, dù số lượng xét nghiệm của bệnh nhân đã thực hiện tại các bệnh viện khác trước đó được công nhận chưa nhiều song cũng phần nào giảm được chi phí, hạn chế được thời gian chờ đợi và sự bức xúc của người bệnh.

Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh

Phụ thuộc chủ yếu vào bác sĩ

Chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm đợt này, thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã rà soát, đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm nhằm nâng cấp, hoàn thiện theo chất lượng ISO 15189 mà Bộ Y tế đề ra.

TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, chỉ những xét nghiệm nào thực hiện tại các phòng xét nghiệm đã đạt chuẩn ISO bệnh viện mới công nhận. Hơn nữa, không phải tất cả các xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện tại các bệnh viện khác trước đó (kể cả phòng xét nghiệm có chất lượng tương đương) cũng đều được công nhận bởi nhiều chỉ số xét nghiệm chỉ có giá trị sử dụng trong một thời gian rất ngắn. Còn những xét nghiệm có thể sử dụng được dài ngày hơn như vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan thận… nếu người bệnh đã có rồi sẽ không phải xét nghiệm lại. Mặt khác, bệnh viện cũng chỉ đạo áp dụng việc liên thông kết quả xét nghiệm một cách linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tình trạng bệnh. 

Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 5.000 xét nghiệm. Theo bác sĩ Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, bác sĩ lâm sàng là người có quyền quyết định cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trong việc chấp nhận hay không chấp nhận sử dụng các xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện từ bệnh viện khác chuyển đến. Cũng vì thế, chỉ những kết quả xét nghiệm được thực hiện từ các phòng xét nghiệm có chất lượng chuẩn tương đương nhau thì các bác sĩ mới an tâm sử dụng, bởi nó liên quan đến sức khỏe của người bệnh. 

Tại Bệnh viện E, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cũng chia sẻ, bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của nhiều bệnh viện khác. Song nhiều khi cùng một máy xét nghiệm nhưng thực hiện ở hai bệnh viện khác nhau lại cho kết quả khác nhau, do đó cũng có những xét nghiệm bắt buộc phải làm lại để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Rõ ràng, để thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm, vai trò của người thầy thuốc hết sức quan trọng. Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương phân tích, bác sĩ lâm sàng phải có kiến thức để đánh giá được chất lượng xét nghiệm khi quyết định việc có công nhận kết quả xét nghiệm hay không, mặt khác cũng phải công tâm, tránh lạm dụng xét nghiệm để bảo vệ người bệnh.

Sẽ kiểm tra, giám sát việc liên thông

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc liên thông là các phòng xét nghiệm y học đạt cùng mức chất lượng (chất lượng tương đương) thì được liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau; phòng xét nghiệm có mức chất lượng thấp phải công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn. Đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, chỉ áp dụng liên thông các xét nghiệm có trong danh mục mà Bộ Y tế ban hành và đã được công nhận chất lượng. Bác sĩ lâm sàng là người quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông… 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, bước đầu Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Trong tháng 8 này, Bộ Y tế sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá, thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế. 

Về lộ trình cụ thể, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, sau khi liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến Trung ương từ ngày 1-8 thì đến năm 2020, sẽ liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. 

 “Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh (do không phải làm lại xét nghiệm), kiểm soát được việc lạm dụng xét nghiệm, nhất là giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.