34 triệu dân trên thế giới khó thoát khỏi nạn đói do xung đột, chiến tranh, khí hậu và đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong vài tháng tới, hơn 34 triệu dân tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính. Trong đó đặc biệt có thể điểm tên các quốc gia như Afghanistan, Syria, Yemen, Venezuela và các nước châu Phi… có thể còn ở tình trạng vô cùng tồi tệ. Viễn cảnh trên được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đưa ra cảnh báo ngày 24-3-2021.
Hơn 34 triệu dân tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính trong thời gian tới

Hơn 34 triệu dân tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính trong thời gian tới

Nạn đói: “điểm nóng” khó thoát khỏi

Trong báo cáo chung, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) - hai cơ quan trên của Liên hợp quốc nêu rõ: “Nhìn vào triển vọng từ tháng 3 đến tháng 7-2021, có hơn 20 quốc gia và khu vực bị coi là “điểm nóng khó thoát khỏi nạn đói”. Nghĩa là khả năng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tiếp tục tồi tệ hơn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn đói, có liên quan hoặc cộng hưởng với nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do xung đột, các “cú sốc” về kinh tế, tác động tồi tệ của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội, thời tiết khắc nghiệt và sự lây lan của sâu bệnh ở thực vật và dịch bệnh ở động vật”.

Theo báo cáo, Yemen, Nam Sudan và Nigeria là các quốc gia có mối quan ngại cao nhất, cần có hành động nhân đạo khẩn cấp để duy trì sự sống và sinh kế cũng như ngăn chặn bất kỳ tình trạng tồi tệ nào tiếp theo. Trên khắp các quốc gia này, những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói như các rủi ro về xung đột, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, các hạn chế tiếp cận nhân đạo, được dự báo sẽ phát triển và cộng hưởng với nhau trong những tháng tới.

Tại Nam Sudan, ước tính có khoảng 7,2 triệu người sẽ bị khủng hoảng lương thực, với tỉ lệ suy dinh dưỡng cao hay chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về lương thực, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 tới. Khoảng 2,4 triệu người được phân loại nằm trong tình hình “khẩn cấp”, với 108.000 người được xếp vào nhóm “thảm họa/nạn đói”. Số người đang đối mặt với mất an ninh lương thực ở Yemen sẽ tăng thêm 3 triệu người, lên thành 16,2 triệu người, với 5 triệu người đang trong tình hình khẩn cấp. Tại các vùng diễn ra xung đột ở miền Bắc Nigeria, số người đang đối mặt với tình hình khẩn cấp có thể sẽ tăng gấp đôi lên tới trên 1,2 triệu người vào tháng 8-2021 so với tháng 8-2020…

Đặc biệt rủi ro: Không có đủ lương thực

Báo cáo cho biết thêm rủi ro kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở Venezuela, Haiti, tam giác phía Bắc Trung Mỹ, Syria, Liban, Sudan, Zimbabwe, Sierra Leone và Liberia. Các rủi ro thiên tai do hiện tượng La Nina đang diễn ra có khả năng ảnh hưởng đến Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Madagascar, Angola và Trung Mỹ… khiến các nước này rơi vào tình trạng đặc biệt rủi ro trong bối cảnh một bộ phận dân số đã không có đủ lương thực để dùng và tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

Nạn châu chấu sa mạc vẫn còn ảnh hưởng ở bờ Biển Đỏ, Đông Phi và các nước ở phía Nam châu Phi, bao gồm Botswana, Namibia và Zambia. Thêm vào đó, xung đột và những trở ngại liên quan đến việc tiếp cận nhân đạo sẽ tiếp tục là một yếu tố gây mất an ninh lương thực đáng kể ở Yemen, Syria, Liban, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ethiopia, Venezuela, Mali, Burkina Faso, Mozambique, Cộng hòa Trung Phi và Niger.

Báo cáo đánh giá rằng hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang phải đối mặt với các mức độ khẩn cấp của tình trạng đói cấp tính, có khoảng cách về tiêu thụ lương thực nghiêm trọng và phải vật lộn với tỷ lệ tử vong quá mức. “Trong tình hình mong manh như vậy, bất kỳ “cú sốc” nào có thể đẩy một số lượng lớn người vào cảnh cơ cực và thậm chí là chết đói” - báo cáo khẳng định.

Liên hợp quốc: Khẩn cấp hành động

“Chúng ta phải chứng kiến thảm họa đói đang diễn ra trước mắt. Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch Covid-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình trên toàn thế giới” - Giám đốc Điều hành WFP David Beasley phát biểu.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc đề nghị khẩn cấp ba vấn đề nhằm ngăn chặn nạn đói nghiêm trọng, bao gồm: chiến sự phải dừng lại, Liên hợp quốc được tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết và khoản hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đối phó với nạn đói của Liên hợp quốc.

Đầu tháng 3-2021, WFP và FAO đã kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp trị giá 5,5 tỷ USD cho năm 2021. Theo đó, khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ lương thực nhân đạo, cung cấp tiền mặt và các can thiệp khẩn cấp về sinh kế. Liên hợp quốc còn kêu gọi thực hiện các hành động quan trọng tại mỗi “điểm nóng về nạn đói” để giải quyết thực trạng và tương lai, đơn cử như mở rộng quy mô lương thực và hỗ trợ dinh dưỡng, cung cấp hạt giống chịu hạn, phục hồi các công trình cấp nước và giới thiệu các mô hình việc làm.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Thống nhất hành động và tăng cường cứu trợ nhân đạo

Nguyên nhân gây ra nạn đói hiện nay không thuần túy do thiếu lương thực mà còn do con người gây ra, nhất là ở các khu vực có xung đột kéo dài. Tình trạng biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 thời gian qua càng khiến cho tình hình trầm trọng thêm. Theo thống kê, đến cuối năm 2020 trên thế giới có tới hơn 88 triệu người thiếu lương thực khẩn cấp do xung đột và bất ổn, tăng 20% so với năm 2019. Hơn 30 triệu người đứng bên bờ vực nạn đói và đi cùng với đó là tình trạng suy dinh dưỡng. Những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tình trạng này là Sahel, vùng sừng châu Phi, Nam Sudan, Yemen và Afghanistan.

Tổng thư ký Guterres kêu gọi các nước thống nhất hành động và tăng cường cứu trợ nhân đạo và cho biết ông đã thành lập Nhóm đặc trách cấp cao về ngăn ngừa nạn đói và sẽ đưa vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực bao trùm, bền vững và tự cường hơn thành trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực.

Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực thế giới David Beasley: Nguy cơ xảy ra “đại dịch đói” bên cạnh đại dịch Covid-19

Chúng ta phải chứng kiến thảm họa đói đang diễn ra trước mắt. Nạn đói do xung đột, chiến tranh và càng trầm trọng hơn bởi các cú sốc khí hậu, đại dịch Covid-19 đang gõ cửa hàng triệu gia đình trên toàn thế giới. Nguy cơ xảy ra “đại dịch đói” bên cạnh đại dịch Covid-19. Ông Beasley nhấn mạnh trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các thảm họa này, đồng thời cung cấp thông tin về tình trạng người dân đang đứng trước nạn đói ở Yemen, Syria và CHDC Congo. Các bên xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo nhanh chóng tiếp cận người dân mà không bị cản trở. Tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo, đồng thời khẳng định phát triển bền vững, giải quyết và chấm dứt xung đột phải là giải pháp toàn diện, lâu dài.

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại sứ Đặng Đình Quý: Xây dựng hệ thống lương thực bền vững giúp người dân

Các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực và các nhà tài trợ duy trì đóng góp cho các chương trình cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ các nước tăng năng lực bảo vệ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và xây dựng hệ thống lương thực bền vững giúp người dân có thể tiếp cận lương thực an toàn và đủ dinh dưỡng. Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng Liên hợp quốc cần có giải pháp tổng thể, trong đó tập trung ngăn ngừa, chấm dứt xung đột, xây dựng hòa bình bền vững; khắc phục các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy vai trò của tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và giải quyết xung đột trong khu vực.