30 năm mò cua bắt ốc nuôi mẹ già và 4 em bại liệt

ANTD.VN - Chuyện đời bà Lê Thị Ninh (55 tuổi, ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) là một câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người. bà đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc người mẹ già tai biến và 4 người em mắc bệnh bại liệt. Ngày qua ngày, chẳng quản mưa nắng và bệnh tật, bà vẫn lụi cụi mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn để nuôi sống cả gia đình.

30 năm mò cua bắt ốc nuôi mẹ già và 4 em bại liệt  ảnh 1Bà Ninh không còn nước mắt để khóc cùng mẹ

Mẹ tai biến, 4 em liệt tứ chi

Thôn Lộc Thượng buổi chiều nắng đã vơi, xóm làng thưa thớt, mương nước nằm cạnh con đường đất nhỏ  bốc mùi ngai ngái. Đến cửa  ngôi nhà nằm cuối con đường, lũ chó sủa inh ỏi, chúng tôi hỏi thăm một cụ bà nhà bà Ninh. Bà cụ gật đầu rồi mời khách vào nhà. Trong căn nhà tuềnh toàng, ngoài cụ Huỳnh Thị Chanh (79 tuổi) còn 3 thành viên khác đang ngồi co ro, mắt vô hồn.

Hỏi thăm về bà Ninh, cụ Chanh bảo con gái đang làm ruộng ngoài đồng, rồi thều thào gọi một  trẻ nhỏ đang chơi ở đầu ngõ chạy ra đồng gọi bà Ninh về. Vừa dứt lời, cụ Chanh quay về phía chúng tôi, bảo: “Tôi bị tai biến 2 lần nên bây giờ hầu như chỉ ngồi một chỗ. Cố gắng lết đi một xíu là đau nhức khắp người. Còn khi nào đi ngủ thì phải chờ con gái đi làm về đỡ lên giường, không thì nằm ngủ dưới đất. Mấy hôm nay nắng nóng nên chỉ cần cựa một cái là ê ẩm khắp người”.

Nói rồi, cụ Chanh nhìn sang 3 người con tay chân teo tóp đang hướng mắt về phía mình, bùi ngùi kể: “Tôi sinh cả thảy 10 đứa con, nhưng 3 đứa vì bệnh tật nên mất lúc mới chỉ lên 2, lên 3 tuổi. Còn lại 7 đứa thì đến nay 2 đứa con trai đã lập gia đình, đi làm ăn ở xa nhưng cũng nghèo rớt mồng tơi. 5 đứa còn lại thì chỉ mình con Ninh là lành lặn, còn 4 đứa em nó đều bị liệt tứ chi. Bây giờ 3 đứa ở nhà, còn thằng lớn thì mới được ông hàng xóm chở lên Trạm Y tế xã khám bệnh”.

Theo lời cụ Chanh, người con thứ bảy của bà tên Lê Văn Cư (43 tuổi) là người đầu tiên trong gia đình mắc phải căn bệnh này. Năm 14 tuổi, đang khỏe mạnh bình thường, bỗng một hôm anh Cư thấy uể oải trong người. Sau đó 2 tay thấy tê, yếu dần, cầm cái chổi quét nhà cũng không được. Hiện tượng này nhanh chóng lan xuống 2 chân. Tiếp tục 2 chân mất cảm giác, đi vài bước là ngã. “Gia đình liền đưa đi khám bác sĩ thì họ cho biết nó bị teo cơ không chữa được. Từ đó 2 tay, 2 chân cứ teo dần, giờ bắp tay của nó chỉ bằng quả chuối, chỉ còn có thể bưng chén cơm”, cụ Chanh rưng rưng nước mắt.

Còn anh Lê Văn Dũng (41 tuổi) thì bắt đầu bị bệnh năm 17 tuổi. Khi ấy, anh vừa đi học, vừa giúp gia đình chăn mấy con trâu. Một hôm, cánh tay trái của anh bị tê rồi yếu dần. Lúc đầu anh ngỡ mình bị trúng gió nên chỉ xoa dầu gió, uống thuốc cảm qua loa. Không ngờ bệnh ngày càng trầm trọng, gia đình đưa đi châm cứu nhưng bệnh không tiến triển, cánh tay trái ngày càng teo nhỏ. 3 năm sau đến lượt cánh tay phải cũng bị tương tự. Tiếp đến, cả 2 chân đều cùng lúc bị tê liệt. Bây giờ, muốn di chuyển trong nhà, anh phải chống 2 tay để lết đi”.

Cứ tưởng tai họa như thế là quá đủ đối với gia đình, nào ngờ năm 17 tuổi, anh Lê Minh Hoàng (36 tuổi) lại mắc phải căn bệnh như 2 anh trai. Rồi như vướng một lời nguyền, cũng năm 17 tuổi, chị Lê Thị Kiều Oanh (33 tuổi) cũng mắc phải căn bệnh như các anh. Hiện nay, trong 4 anh em bị bệnh tật, chị Oanh là người bị nhẹ nhất, nên đảm nhận việc cơm nước. 

Chị Oanh tâm sự: “Nấu cơm nồi điện thì đơn giản rồi, nhưng khi nấu đồ ăn thì khổ lắm. Chị Hai chẻ sẵn củi, chặt thành từng khúc ngắn, xếp ngay ngắn cạnh bếp đun. Rồi chị cắt những miếng cao su ruột xe thành khúc nhỏ để tôi dễ nhóm lửa. Đến giờ nấu, tôi 1 tay chống dưới đất, 1 tay đẩy người nhích dần vào cạnh bếp. Khi đã tới gần, tôi ngồi bệt xuống nền nhà dùng 2 tay gắng gượng bê xoong đồ ăn đặt lên bếp, rồi nhóm lửa, đun củi nấu”.

“Chị Hai quyết định không lấy chồng”

Câu chuyện của cụ Chanh và những người con tật nguyền vừa dứt, cũng là lúc bà Ninh về đến nhà. Trò chuyện với chúng tôi trong tiếng thở dài, bà Ninh bảo, thời con gái bà cũng phơi phới tuổi xuân thì, với mối tình sắp sửa nên nghĩa phu thê cùng chàng trai xã bên. Tuy nhiên, đúng lúc đó, người em trai tên Cư đổ bệnh, tay chân mệt mỏi rồi teo tóp, da rút lại, nhăn nhúm bọc xương. Thấy vậy nên bà nói với người yêu sẽ tổ chức đám cưới sau khi chữa trị lành lặn cho em.

Bà Ninh tâm sự: “Căn bệnh quái ác của Cư khiến tôi lần lữa mãi với hạnh phúc riêng của mình. Bệnh tình của Cư không khỏi, lại thêm 2 em trai và 1 em gái cũng mắc bệnh tương tự. Không muốn người yêu khổ lây, tôi gạt nước mắt giã từ giấc mơ riêng. Sau đó, anh ấy lập gia đình, đến nay con cháu cũng đề huề”.

Khi biết bệnh tình của các em không khỏi, phải chịu cảnh gần như bại liệt đến hết đời, bà Ninh đi đến quyết định ở vậy để lo cho mẹ và em. Nhà có 6 sào ruộng, bà cố gắng cày cuốc làm lụng, trời thương nên đủ lúa để xay gạo ăn lần hồi qua ngày tháng.

Khi có chút thời gian rảnh, bà Ninh trở thành thợ “đụng”, nhưng ở quê không nhiều việc ngoài gieo sạ và gặt lúa. Để nhặt nhạnh thêm cho đỡ phần nào cảnh lay lắt của cả nhà, bà phải ra đồng mò cua bắt ốc, có đêm  lầm lũi tận 1, 2 giờ sáng hoặc thậm chí là mờ sáng hôm sau mới về đến nhà. “Có đêm nó đi bắt ốc tới tờ mờ sáng mới về. Về đến nhà, nó chỉ kịp ăn chén cơm nguội rồi lại vác cuốc đi làm ruộng. Thấy thương nó lắm nhưng biết làm sao đây, một mình nó nuôi 5 người bệnh tật mà. Nó cứ làm như cái máy vậy”, cụ Chanh nghẹn ngào.

Bà Ninh tâm sự: “Thường mỗi đêm tôi bắt được 20kg ốc, hôm nào đi ráng tới sáng thì được 30kg. Giá ốc hiện là 4.500đ/kg, tính ra ráng lắm cũng chưa được trăm rưỡi một đêm, nhưng cả nhà tằn tiện sẽ ăn đủ trong một tuần”.

Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ mấy chục năm trời khiến sức khỏe bà Ninh ngày càng suy kiệt. “Năm 2010, con Ninh nó bị nổi u bướu cổ, dây thanh quản bị viêm nặng gây đau đớn, vậy mà đi khám về nó giấu. Gặng hỏi nó mới chịu nói, 6 mẹ con lại ôm nhau khóc. Đến giờ vẫn chưa có tiền để mổ”, bà Chanh rớt nước mắt nói về con gái.

Nói rồi, bà Chanh nghẹn ngào: “Hồi mấy đứa em nó mới vướng bệnh, tôi tuy có tuổi nhưng còn phụ giúp nó mấy việc lặt vặt, hay ít ra còn có thời gian hai mẹ con ôm nhau khóc. Nước mắt không giúp các em nó khỏi bệnh, nhưng ít ra, sau mỗi lần hai mẹ con cùng ôm nhau khóc, nó thấy lòng như nhẹ đi đôi chút. Nhưng từ ngày tôi bị tai biến ngồi một chỗ, dường như nó không còn nước mắt để khóc nữa”.

Nghe mẹ nói vậy, chị Oanh cũng thút thít: “Mới đầu chị Hai hay khóc, có hôm khóc rất nhiều. Nhưng nay tôi không thấy chị khóc nữa, không biết là chị giấu đi hay không còn nước mắt nữa. Gần 30 năm rồi... từ ngày chị Hai quyết định không lấy chồng”.

Trước khi chúng tôi chia tay ra về, bà Ninh bảo: “Cái khổ vẫn còn đây, nhưng đoạn trường bi ai, dường như ông trời thương, nên cũng đã châm chước ít nhiều. Nhà lớn nhỏ chẳng cần thiết, quan trọng là có nơi để mình bấu víu, để mà đặt niềm tin, trong hoàn cảnh quá khắc nghiệt này”.