3 kịch bản của Trung Quốc khi PCA bác bỏ đường lưỡi bò?

ANTĐ - Các chuyên gia dự đoán Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) trong tháng 6 này sẽ đưa ra phán quyết về tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc - bao phủ gần 85% Biển Đông - là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Nếu điều này xảy ra, Giáo sư David A. Welch Đại học Waterloo đã đưa ra 3 kịch bản Trung Quốc sẽ phản ứng trong bài bình luận trên The Diplomat. 

Một là Trung Quốc sẽ chấp nhận phán quyết của PCA và điều chỉnh yêu sách

Phán quyết của PCA sẽ không ảnh hưởng gì đến yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể trên Biển Đông của các bên, việc tuân thủ phán quyết của PCA sẽ giúp Trung Quốc nâng cao vị thế của mình trong mắt cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng trong khu vực có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, phương án này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho vai trò cầm quyền của Chính phủ Trung Quốc. Bởi lẽ, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn luôn tìm mọi phương cách tuyên truyền với dân chúng rằng gần như 85% diện tích Biển Đông là thuộc “chủ quyền Trung Quốc” và “Biển Đông về cơ bản là một cái ao của Trung Quốc”.

Theo Giáo sư David A.Welch, 2 trụ cột chính đảm bảo tính chính danh và khả năng cầm quyền của chính quyền Trung Quốc là phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống của người dân và bảo vệ yêu sách chủ quyền. Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, cuộc sống người dân gặp khó khăn do tái cơ cấu, nếu Bắc Kinh nhận thua sau phán quyết của PCA thì rất có thể sẽ làm suy yếu vai trò của Chính phủ. Khả năng này sẽ khó xảy ra.

Hai là Trung Quốc sẽ chống lại phán quyết của PCA bằng cách rút khỏi UNCLOS và hành động hung hăng, liều lĩnh hơn

Kể từ khi Trung Quốc chính thức phê chuẩn UNCLOS, về mặt lý thuyết Bắc Kinh phải chịu ràng buộc pháp lý và tuân thủ phán quyết của PCA trong vụ kiện này, cho dù có tham gia hay không. Giáo sư David A.Welch nhận định rằng, sau khi PCA đưa ra phán quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục giọng điệu bác bỏ phán quyết của PCA như hiện tại, nhưng Bắc Kinh có thể sẽ hung hăng và ngang ngược hơn.

Trung Quốc dùng những đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông để củng cố tuyên bố “đường lưỡi bò” và tuyên bố EEZ (370 km) và lãnh hải (12 hải lý hay 22 km) quanh những đảo nhân tạo này.

Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (thuộc Quốc hội Mỹ) trình Quốc hội ngày 12-4 vừa qua, Trung Quốc bồi đắp và xây đảo nhân tạo trên 7 đá (với tổng diện tích trên 12 km2) ở Trường Sa trong giai đoạn từ tháng 12-2013 đến 10-2015. Trung Quốc còn xây đường băng, cơ sở quân sự và điều máy bay quân sự ra đảo nhân tạo. 

Các chuyên gia nhận định, với cái cớ Mỹ quân sự hóa khu vực, Bắc Kinh sẽ trả đũa phán quyết của PCA bằng cách lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tương tự như nước này từng làm ở biển Hoa Đông nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Không chỉ lập ADIZ để trả đũa phán quyết của PCA, các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, cách bờ biển của Philippines chỉ 230 km. Bắc Kinh chiếm bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012.

Ba là tiếp tục phản đối phán quyết của PCA và duy trì lập trường mơ hồ trên Biển Đông

Greg Raymond đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy (Australia) cho rằng, so với Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), PCA có ít quyền lực hơn, nhưng nếu bác bỏ phán quyết của PCA sẽ đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Và khi đó, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ có thể nhóm họp và ra nghị quyết về vấn đề này. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an LHQ còn có thể coi vấn đề Biển Đông là một tranh chấp gây xung đột quốc tế, nên thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quyền lực này. 

Các chuyên gia nhận định một phần lớn trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là sự mơ hồ trong “đường lưỡi bò”. Bắc Kinh chưa bao giờ nêu rõ cơ sở pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của họ mà chỉ toàn dựa vào những tài liệu lịch sử, gọi đây là “chủ quyền lịch sử”.

Mặc dù không tham gia các phiên phân xử và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của PCA, nhưng Bắc Kinh vẫn cố tìm kiếm sự ủng hộ từ một số nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố có 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng các học giả cho hay đa số chỉ là những nước nghèo ở châu Phi nhận viện trợ của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng ve vãn Philippines, tuyên bố muốn “hàn gắn” quan hệ với Manila trước thềm PCA đưa ra phán quyết.

Càng gần ngày Tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, Trung Quốc càng tìm nhiều cách đối phó.

Ngày 8-6, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Philippines vì khởi kiện, yêu cầu Manila rút đơn, một mặt tuyên bố “để ngỏ cánh cửa đàm phán song phương” chờ tân Tổng thống Rodrigo Duterte “quay đầu trở lại”. Hai tuần trước, ông Tập Cận Bình gửi điện mừng ông Duterte đắc cử Tổng thống với hy vọng quan hệ 2 nước có thể “quay trở lại con đường đúng đắn”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói thêm rằng, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết áp đặt hoặc sự hòa giải đến từ một bên thứ ba trong các vấn đề tranh chấp, trước khi buông lời cáo buộc Philippines khiêu khích và “đóng sập thô bạo cánh cửa mở ra các cuộc đàm phán”.

Trước đó, Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario - người trực tiếp mang đơn đi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực PCA - đã khuyến cáo tân Tổng thống Rodrigo Duterte không nên đàm phán song phương vô điều kiện với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông.

Đồng quan điểm, Ernest Bower - Giám đốc Chương trình Đông Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cũng cảnh báo tân Chính phủ Philippines về nguy cơ, rủi ro nếu chấp nhận đàm phán tay đôi vô điều kiện với Trung Quốc. “Nếu Philippines tìm thấy một con đường phía trước trong đàm phán với Trung Quốc, bao gồm việc Trung Quốc cam kết từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò và chấp nhận quy tắc ứng xử trên Biển Đông thì hãy đàm phán. Nếu không, Philippines sẽ đánh mất sự tôn trọng của các nước ASEAN và chắc chắn Mỹ vô cùng thất vọng”.