3 bộ trưởng giải trình các vấn đề nóng trước Quốc hội

ANTĐ - Sáng 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Các Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Y tế đã lần lượt phát biểu giải trình những vấn đề ĐBQH đặt ra và nhận rõ trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý của các “Tư lệnh” ngành.

Bộ trưởng Bộ xây dựng giải trình 3 nội dung

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã giải trình một số nội dung được các ĐBQH đặt ra. Đầu tiên là về công trình số 8B - Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng sai phép. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, sai phạm ở công trình 8B - Lê Trực đã gây bức xúc trong xã hội và người dân. “Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận, Bộ Xây dựng đã cùng với UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ và cho biết công trình này được UBND TP Hà Nội cho phép và Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình trước Quốc hội

Theo đó, chiều cao phía trước là  44m, phía sau 53m, nhưng sau khi xây dựng là 69m, vượt quá so với giấy phép Sở Xây dựng cho phép.

"Sau sự việc này, Thường trực Chính phủ đã họp nghe báo cáo của các Bộ: Quốc phòng; Xây dựng; Công an và UBND TP Hà Nội. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và khẳng định sai phạm của công trình 8B - Lê Trực là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, thể hiện hạn chế yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng, sai phạm của chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực. Để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát và xử phạt nghiêm minh theo đúng quy định và trình cơ quan chức năng phương án xử lý. Việc phá dỡ công trình nhưng phải đảm bảo mỹ quan yêu cầu trong quá trình thực hiện và đảm bảo an toàn.

Từ những sai phạm của công trình 8B Lê Trực, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng, đặc biệt là đô thị, quan tâm công tác quy hoạch và quy hoạch chung, thiết kế đô thị đảm bảo cảnh quan kiến trúc, để góp phần nâng cao vật chất cuộc sống và tinh thần của người dân. "Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương để xử lý nghiêm xây dựng trái phép vi phạm pháp luật gây bức xúc trong nhân dân" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cam kết.

Ngoài vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giải trình vấn đề nhà ở cho người có công. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, quan tâm đến người có công là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Người có công mà phải ở nhà không đảm bảo điều kiện thì phải cải thiện và từng bước Chính phủ sẽ cân đối, bố trí cho từng giai đoạn.

Gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho bất động sản mà nhiều ĐBQH và nhân dân quan tâm, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đang được triển khai nhanh. Nhà nước có chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia và người dân mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định ngân sách chính sách xã hội thực hiện. Theo Luật nhà ở và Nghị định của Chính phủ thì việc hỗ trợ cho dân mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài chứ không phải chỉ có gói 30 nghìn tỷ đồng. "Nếu hết gói này sẽ có chương trình dài hạn cho người dân vay để cải thiện nhà ở. Do đó, vấn đề này ĐBQH và người dân yên tâm" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.

Sử dụng chất cấm là tội ác

Liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất tạo nạc, sử dụng hóa chất được ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề cập, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Phải đấu tranh với chất cấm như chống ma túy. Sử dụng chất cấm là tội ác”.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất cấm kháng sinh tồn dư được kiểm soát chặt chẽ khi nhà nhập khẩu phải báo cáo hóa đơn hợp đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, có thể do người chăn nuôi mua từ hiệu thuốc rồi chế biến cho vào thức ăn, chưa kể việc buôn lậu thuốc từ biên giới vào. Vì thương lái ép người dân, nếu họ mua với giá thành cao thì người dân phải cho thuốc tạo nạc vào. Đây là vấn đề cần phải quản lý chặt chẽ.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đấu tranh với chất cấm như chống ma túy

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sản xuất, lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm phải đến tận huyện, xã. Mô hình này sẽ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo nghiên cứu và nhân rộng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại nghị trường

"Vừa qua, dù có Nghị định xử phạt và phân công rõ trách nhiệm cho từng địa phương, nhưng quản lý thực phẩm từ khâu trang trại cho đến bàn ăn còn gặp khó khăn và tác hại của vệ sinh thực phẩm không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta, làm ảnh hưởng đến kinh tế. Do đó, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra và phải làm quyết liệt. Đây là vấn đề lớn, mong các địa phương phối hợp với Bộ Y tế thực hiện cho hiệu quả” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.