3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

ANTĐ - Trước những băn khoăn, thắc mắc của người dân sau khi quy định cho phép mang thai hộ có hiệu lực, để làm rõ hơn những vấn đề liên quan, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế.

- Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết hiện những đơn vị nào được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ?

- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Do đây là lần đầu tiên kỹ thuật mang thai hộ được phép thực hiện ở Việt Nam nên để phòng ngừa rủi ro, tạm thời ngành y tế chưa triển khai ở nhiều bệnh viện. Trong thời gian đầu, có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bệnh nhân ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Sau một thời gian, Bộ sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá nhu cầu thực tế của người dân. Nếu 3 cơ sở y tế trên có dấu hiệu bị quá tải sẽ nghiên cứu triển khai tiếp ở các cơ sở y tế khác.

- Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, 3 cơ sở y tế trên phải có các điều kiện gì?

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; Chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; Đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.

Còn về pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Nghị định số 10/2015 đã ban hành các quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ. Thời gian tới, các cơ sở y tế sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật mang thai hộ.

- Hiện có một số người dân lo ngại việc cho phép mang thai hộ sẽ bị biến tướng vì mục đích thương mại. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, điều này không đáng ngại bởi thông thường khi nhờ mang thai hộ, bên nhờ thường có nguyện vọng sinh con bằng phương pháp mổ để tránh rủi ro. Do vậy, người mang thai hộ không thể mang thai nhiều lần nên khả năng thương mại hóa là khó xảy ra. Bên cạnh đó, về thủ tục pháp lý cũng được quy định khá chặt chẽ. 

Cụ thể: Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này. Hồ sơ này gồm khá nhiều các loại giấy tờ: Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào; Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng; Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này; Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ về việc đồng ý cho mang thai hộ; Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa; Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo mẫu quy định….

- Vậy trong quá trình thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này là gì?

-  Trách nhiệm của họ là xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Quan điểm của các bệnh viện là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về pháp lý. Tôi tin rằng kỹ thuật mang thai hộ khi được tiến hành, tỷ lệ thành công sẽ khá cao.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!