22.300 đồng/cổ phiếu của Vietnam Airlines

ANTĐ - Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch thực hiện cổ phần hóa Vietnam Airlines, dự kiến thời gian bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 11-2014. Giá 1 cổ phiếu của hãng khi lên sàn là 22.300 đồng.
Theo đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt, sau khi thực hiện tái cơ cấu, Công ty mẹ - Vietnam Airlines giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 14.101,840 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần tương đương hơn 1,4 tỷ cổ phần. Cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,475%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn. Giá cổ phiếu của Vietnam Airlines đã được "chốt" với mức 22.300 đồng/1 cổ phiếu.
Đối với việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines sẽ khởi động hoạt động đầu tiên - gửi bản công bố thông tin ngắn (teaser) và gửi thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) cho các cổ đông chiến lược tiềm năng vào ngày 30-9-2014.

Dự kiến, thời gian hoàn thành bán chiến lược là 6 tháng kể từ khi hãng gửi teaser cho các nhà đầu tư tiềm năng. Mặc dầu vậy, thời gian bán cổ phần cho đối tác chiến lược của Vietnam Airlines phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế và sự “sẵn sàng” của các nhà đầu tư.

Sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines vẫn được vay vốn bảo lãnh để mua máy bay

Vietnam Airlines được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ – CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg - CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg - KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

Kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines đã được phê duyệt. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2018 tổng giá trị đầu tư là 69.994 tỷ đồng, trong đó, đầu tư tàu bay 63.297 tỷ đồng. Để đáp ứng kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, dự kiến Vietnam Airlines sẽ tăng dần vốn điều lệ từ 14.101,84 tỷ đồng năm 2014 đến cuối năm 2018 là 26.320 tỷ đồng và được xây dựng trong chiến lược, kế hoạch phát triển Vietnam Airlines đến năm 2020.

Để đảm bảo duy trì tỷ lệ nhà nước nắm giữ vốn ở mức 75% khi cổ phần và giảm dần xuống tỷ lệ nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ, tiếp tục đảm nhận vai trò là hãng hàng không Quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn Vietnam Airlines - CTCP quản lý và sử dụng số tiền thu từ cổ phần hóa (khoảng 1.000 tỷ đồng) để tăng phần vốn nhà nước tại Vietnam Airlines - CTCP khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ.

Liên quan đến việc nắm cổ phần chi phối hãng hàng không Jetstar Pacific, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, vẫn giữ 70% cổ phần tại Jetstar Pacific và sẽ không thoái vốn xuống dưới 50%. Đây là sản phẩm trong dải sản phẩm buộc phải có của Vietnam Airlines, vì trước khi tiếp nhận Jetstar Pacific thì Vietnam Airlines đã tính tới việc thành lập một hãng giá rẻ.

Đồng thời Vietnam Airlines cũng duy trì phần vốn tại các hãng hàng không khác như Vasco, Angkor Air.