2019: ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8%

ANTD.VN - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng tác động của tăng giá điện, giá xăng dầu sẽ không làm ảnh hưởng quá lớn đến áp lực lạm phát.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng nay đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Trong đó, Báo cáo nhận định, do tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ thấp hơn, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 6,8% năm nay và 6,7% năm 2020. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 7,1%.

"Tăng trưởng sẽ tiếp tục toàn diện, nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu trong nước bền vững”, ông Eric Sigwik – Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết.

Theo ADB, tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại. Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.

Việc tăng giá điện được cho là sẽ tác động không nhiều đến lạm phát trong năm nay

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

Nói rõ hơn về tác động của việc tăng giá điện và liên tiếp tăng giá xăng dầu thời gian qua, ông Sigwik cho rằng đây là chi phí thường xuyên phải điều chỉnh để giảm tác động tiêu cực đến ngân sách.

“Tất nhiên nó sẽ tác động đến giá cả, nhưng tác động vòng 1, tức là tăng giá hàng hóa (điện, xăng) là không nhiều, vì việc tăng giá này là 1 lần. Tuy nhiên, tác động vòng 2, tức là việc tăng giá các loại hàng hóa khác, các ngành công nghiệp thì chúng tôi sẽ cần theo dõi kỹ lưỡng thêm vì xăng dầu, điện là đầu vào quan trọng của tất cả các ngành sản xuất” – ông Eric Sigwik cho biết.

Dù vậy, theo ông, tác động tăng giá vòng 2 cũng sẽ không lớn. “Theo chúng tôi, lạm phát năm 2019 sẽ không tăng nhiều mà sẽ tăng vào năm 2020” – ông Eric Sigwik nói.

Đại diện ADB cũng cho rằng, với tình hình kinh tế hiện tại, việc tăng giá điện là “cần thiết và tích cực”. “Nếu không tăng giá thì chính phủ sẽ phải trợ giá điện, kiểu gì cũng có chi phí, chỉ là Chính phủ là người chịu hay người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ chịu giá đó mà thôi”, ông cho biết.