20 năm bóng đá Việt vẫn quẩn quanh ở vùng trũng, vì sao?

ANTĐ - Cả HLV ĐTQG nam - Toshiya Miura và HLV ĐTQG nữ - Takashi, đều cho rằng điểm yếu thể lực là hạn chế lớn nhất của các tuyển thủ Việt Nam. Đó là một phần nguyên nhân khiến nền bóng đá nước nhà mãi chưa thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á.

Kể từ lần giành quyền vào chơi trận chung kết bóng đá nam SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) và giành HCB, bóng đá Việt Nam bắt đầu nghĩ tới việc vươn tầm châu lục. Những bản đề án phát triển, với lộ trình 20 năm bắt đầu được triển khai mà trong đó là các mục tiêu cụ thể như lọt tốp 10 châu Á, giành quyền dự World Cup.

20 năm sau nhìn lại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á. Rõ nhất là tại SEA Games 2013 và AFF Cup 2014, bóng đá nam Việt Nam đều không thể đi tới trận chung kết. Không phải chúng ta không có sự tiến bộ mà đơn giản, chúng ta tiến bộ 1 thì các đối thủ trong Đông Nam Á tiến bộ gấp 2-3 lần. Đơn cử như Philippines, đội bóng bị xem là lót đường tại các giải đấu trong khu vực thì nay đã đánh bại tuyển Việt Nam và mang đến nỗi ám ảnh cho phần còn lại của khu vực. Tương tự là Myanmar, tuyển U19 nước này vừa giành quyền chơi World Cup U20 năm 2015. 

20 năm bóng đá Việt vẫn quẩn quanh ở vùng trũng, vì sao? ảnh 120 năm sau lần chơi chung kết SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể vươn lên khỏi vùng trũng Đông Nam Á

Không chỉ thụt lùi so với các nước láng giềng, bóng đá Việt Nam còn thụt lùi so với chính bản thân mình,  nếu nhìn vào cột mốc vào tứ kết Asian Cup 2007 và vô địch AFF Cup 2008.

Ở góc nhìn "người ngoại đạo", các chuyên gia đến từ Nhật Bản - nền bóng đá hàng đầu châu lục hiện đang làm việc cho bóng đá Việt Nam, đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi trên. Đó là thể lực.

Người đầu tiên là chuyên gia Tanaka Koji - trưởng giải V-League 2014. Sau nửa năm theo dõi giải, ông Koji đưa ra con số đáng suy ngẫm: Cầu thủ V-League chỉ chạy 5,6 km/trận, bằng một nửa so với các giải chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.

20 năm bóng đá Việt vẫn quẩn quanh ở vùng trũng, vì sao? ảnh 2

HLV Miura luôn phải nhồi thể lực cho tuyển thủ ở mỗi đợt tập trung

Tiếp đến là ông Toshiya Miura, suốt một năm làm việc với ĐTQG rồi đến Olympic, U23 đều phàn nàn về thể lực cầu thủ quá kém. Mới đây ông lý giải tình trạng chấn thương hàng loạt ở tuyển U23 là do thể lực cầu thủ không đáp ứng được giáo án dành cho cầu thủ chuyên nghiệp mà ông hiện áp dụng. Và bài tập quen thuộc của ông Miura với các tuyển thủ là "nhồi" thể lực.

Chuyên gia Nhật mới nhất đến làm việc tại Việt Nam là ông Takashi - người vừa nắm quyền HLV trưởng ĐTQG nữ và mới chỉ có 3 ngày theo dõi các trận đấu tại giải VĐQG nữ đã đưa ra nhận xét xác đáng: "Cầu thủ nữ Việt Nam có kỹ thuật, kỹ năng chơi bóng giỏi nhưng sức mạnh, thể lực và sức bền là điểm yếu. Nếu không khắc phục được thì rất khó để bóng đá nữ Việt Nam trở thành một đội bóng mạnh của châu lục".

Nếu ở các nền bóng đá chuyên nghiệp tiên tiến, cầu thủ được rèn thể lực rất kỹ từ CLB và khi lên tuyển, HLV chỉ việc áp dụng các bài tập chiến thuật dựa trên nền tảng thể lực có sẵn của cầu thủ. Còn ở ĐTQG Việt Nam, các HLV đều phải làm công việc thay cho các CLB là nhồi thể lực cho cầu thủ như một giải pháp tình thế bất đắc dĩ và mất khá nhiều thời gian.

Thể lực kém - một nguyên nhân không đao to búa lớn như chiến lược, lộ trình mà nhiều chuyên gia trong nước vẫn viện dẫn để nói về sự tụt hậu của bóng đá Việt Nam, nhưng lại rất thiết thực. Trong bối cảnh bóng đá hiện đại lên ngôi, thể lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhưng lại đang bị xem nhẹ ở bóng đá Việt Nam, từ giới quản lý tới CLB và trong tư duy cầu thủ.

Và từ thực trạng thể lực tuyển thủ yếu vỡ ra nhiều vấn đề của nền bóng đá đáng phải suy ngẫm. Đơn cử như chuyện cầu thủ Phong Phú Hà Nam thu nhập cao nhất so với các CLB nữ ở Việt Nam (hưởng chế độ 9,5 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn chủ động cắt giảm tiền ăn để dành tiền trang trải các chi phí sinh hoạt khác và lo cho gia đình, trong bối cảnh đãi ngộ cho cầu thủ nữ còn rất thấp. 

Đến chuyện ăn còn phải dè dặt thì lấy đâu ra sức mà đá bóng!