20 "cụ" xoài hàng trăm tuổi trở thành "Cây di sản Việt Nam"

ANTĐ - Ngày 9-2, tại Chùa Từ Quang (Đá Trắng), thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, Sở VH-TT-DL phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức lễ đón bằng công nhận quần thể 20 cây xoài Từ Quang là Cây Di sản Việt Nam. 
Niên hiệu Cảnh Thịnh đời thứ I, Hòa thượng Pháp Chuyên, hiệu là Luật Truyền đời thứ 36 thuộc dòng phái Lâm Tế đã đến Chùa Từ Quang xây dựng một thảo am để dịch kinh Hoa Nghiêm và khi đó thiền sư trồng rất nhiều cây xoài. Xoài Chùa Đá Trắng khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh và có mùi thơm dịu. Là loại quả quý để cung tiến vua hàng năm nên còn gọi là xoài ngự, xoài tiến. 

Hiện ở vườn Chùa Từ Quang có 20 cây xoài, hàng năm vẫn ra hoa, kết quả. Tuổi cây xoài được xác định dựa vào lịch sử xây dựng chùa năm 1793, như vậy năm nay những cây xoài Chùa Đá Trắng đã có trên 220 năm tuổi.

20 "cụ" xoài hàng trăm tuổi trở thành "Cây di sản Việt Nam" ảnh 1
20 Cây xoài Di sản Việt Nam 220 năm tuổi vẫn ra hoa, kết trái


Cụm quần thể cây xoài Đá Trắng được Sở VH-TT-DL Phú Yên lập hồ sơ đề nghị Cây di sản Việt Nam vào tháng 8-2013 và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận cụm quần thể này là Cây Di sản Việt Nam. 

Ông Nguyễn Điểu, Phó chủ tịch Hội VACNE cho rằng, những cây xoài Chùa Đá Trắng không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, mà nó còn có giá trị về mặt thẩm mỹ, tạo cảnh quan, môi trường chung cho cả khuôn viên di tích Chùa Đá Trắng. Theo truyền thống, từ mùng 10 đến 11 tháng Giêng, tại Chùa Từ Quang diễn ra lễ hội, thu hút hàng nghìn phật tử, nhân dân, du khách khắp nơi về tham quan, đi lễ chùa.

Những chú ngựa tung vó phi nước đại trên đường đua

Nằm trong chương tình lễ hội truyền thống Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, hôm qua 8-2 (mùng 9 Tết), tại Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An (Phú Yên) cũng đã tưng bừng diễn ra Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng năm 2014. 

Từ mờ sáng tinh sương, người dân trong vùng đã í ới gọi nhau dắt ngựa, đến xem Hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng. Hội đua ngựa năm nay có 32 kỵ sỹ và kỵ mã (100% là ngựa cái) đến từ các xã An Hiệp, An Thọ, An Lĩnh, An Cư, An Xuân, huyện Tuy An và huyện Đông Hòa tham gia tranh tài, là một trong những lễ hội độc đáo của tỉnh Phú Yên và vùng Duyên hải miền Trung. 

20 "cụ" xoài hàng trăm tuổi trở thành "Cây di sản Việt Nam" ảnh 3
Kỵ sĩ Lê Văn Thu đoạt chức vô địch Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng xuân 2014


Đúng 8h30, đoàn ngựa tiến vào trường đua trong tiếng vỗ tay, reo hò của hàng nghìn khán giả. Sau tiếng trống khai hội, đoàn ngựa phi nước kiệu một vòng diễu quanh đường đua ra mắt chào khán giả. Theo người dân địa phương, những chú ngựa này quang năm kéo xe, thồ hàng, nông sản và cứ đến ngày mùng 9 Tết trở thành kỵ mã tung vó phi nước đại. Còn những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn cũng trở thành kỵ sĩ, nằm rạp mình trên lưng ngựa trong tiếng reo hò, bụi bay mù mịt.

Mỗi chặng đua có 4 ngựa tranh tài (8 lượt đua vòng loại), chọn ngựa về nhất mỗi lượt vào vòng bán kết. Kết quả, ngựa số 4 và kỵ sĩ Lê Văn Thu đến từ xã An Hiệp giành giải nhất. Đây là lần thứ hai liên tiếp kỵ sĩ Lê Văn Thu đoạt chức vô địch Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng. Ngựa số 17 và “kỵ sĩ” Thái Văn Sáu, ở huyện Đông Hòa về nhì; hai ngựa số 20, 21 và hai “kỵ sĩ” Lê Kim Tình, Lê Thành Trung, xã An Xuân) đồng hạng ba. Ban tổ chức còn trao hai giải đặc biệt cho kỵ sĩ nhỏ tuổi nhất Võ Thanh Nghĩa (SN 1994) và Nguyễn Hữu Chi (SN 1963).