2 tiêm kích Trung Quốc “hộ tống” 12 máy bay Mỹ, Nhật

ANTĐ - Hôm 29-11, Trung Quốc tuyên bố nước này đã phái 2 máy bay chiến đấu theo dõi 12 máy bay Mỹ, Nhật trong khu vực xác định phòng không mà họ đơn phương tuyên bố trên biển Hoa Đông ngày 23-11 vừa qua.

“Vùng nhận dạng phòng không” của Trung Quốc bao trùm cả những phần lãnh thổ mà Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Theo quy định của Trung Quốc, tất cả máy bay đi qua “vùng nhận dạng phòng không” phải nộp kế hoạch bay, tự nhận dạng, nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng ngự khẩn cấp”.

Hôm thứ năm vừa qua Bắc Kinh tuyên bố sẽ cho máy bay chiến đấu giám sát và bảo vệ khu vực phòng không. Thế nhưng, bất chấp các quy định yêu cầu xác định nhận dạng và duy trì liên lạc vô tuyến của Trung Quốc, chỉ có một số hãng hàng không thương mại khu vực bao gồm Singapores Airlines, Qantas, Korean Air cho biết họ sẽ tuân thủ các yêu cầu mới của Trung Quốc. Còn máy bay quân sự Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tiến vào  khu vực đang tranh chấp mà phớ lờt những cảnh báo của Đại lục.

Máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKK của Trung Quốc

Ngày hôm sau, phát ngôn viên không quân Trung Quốc - Thượng tá Thân Tiến Khoa, cho biết Bắc Kinh đã phái máy bay chiến đấu theo dõi 2 máy bay giám sát của Mỹ và 10 máy bay của Nhật bao gồm máy bay cảnh báo sớm, máy bay do thám, và máy bay chiến đấu bay trong khu vực phòng không. Ông này cho biết, hai máy bay chiến đấu đã theo dõi và xác định được những chiếc máy bay này nhưng “không đưa ra bất cứ phản ứng gì”.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng Trung Quốc có quyền tuần tra khu vực ADIZ và hành động này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. “Có xuất hiện một số lo lắng xung quanh tình hình là do cá biệt một vài quốc gia kích động mà thôi” và nếu tranh chấp tồn tại, Trung Quốc muốn giải quyết chúng bằng “biện pháp hòa bình thông qua đàm phán hữu nghị” ông nói.

Hãng tin Kyodo đưa tin, hôm 29-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết “Nhật Bản sẽ phản ứng kiên quyết nhưng bình tĩnh” đối với những hành động của Trung Quốc. Các quan chức Nhật Bản không đưa ra thông tin chi tiết về các chuyến bay, nhưng cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thường lệ trong khu vực và cho đến nay không gặp bất kỳ một trường hợp bất thường nào xảy ra.

Bản đồ "Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc"

Bộ trưởng Ngoại Giao Fumio Kushida cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi ông có chuyến thăm 3 ngày tới Nhật Bản hôm thứ hai tới.

Tranh chấp xoay quanh nhóm quần đảo không có người ở mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hiện tại quần đảo do Nhật Bản quản  lý nhưng nó là chủ đề làm gia tăng căng thẳng trong những năm gần đây do nằm gần các tuyến đường quan trọng, ngư trường dồi dào và  khu vực dự trữ nhiên liệu hóa thạch đầy tiềm năng.

Hàn Quốc cho rằng khu vực ADIZ của Trung Quốc đã chồng lấn sang khu vực phòng thủ của nước này, bao gồm đảo đá Leodo.