2 giờ đối thoại với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

ANTĐ - Trực tiếp trả lời hơn 30 câu hỏi trong 2 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận rất bất ngờ trước sự quan tâm và hiểu rõ vấn đề giáo dục qua những câu hỏi được gửi đến. Báo ANTĐ trích đăng một số nội dung hỏi - đáp trong cuộc đối thoại này.
 
- Ông Trần Thái Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Hiện nay số trường đại học được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Việc “thả  nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về  tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên  môn có phải là một biện pháp thỏa đáng không? Ông có biện pháp nào để tái cơ cấu mạng lưới các trường đại học trên toàn quốc?
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: …Đảm bảo quyền tự chủ tương xứng với năng lực là điều Bộ đang quan tâm. Hiện, với các trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế, các trường không được tự thẩm định chương trình giảng dạy, mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định, các trường này sẽ hướng dẫn… Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này Bộ vẫn quyết định. Các trường lớn tự xem xét, chúng tôi sẽ thẩm định.
Còn về kiểm định, đây là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt. Chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng đã ban hành các văn bản nhưng chưa đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi cũng cử cán bộ đi học nước ngoài về lĩnh vực này. Dự án Luật Giáo dục đại học có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường đại học.
- Bà Lê Thị Nga ở Hà Nội: Hiện nay nhiều trường đại học ngoài công lập tuyển sinh với số điểm rất thấp, cùng với đó là những hạn chế về trình độ của đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Vậy công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường đại học này được Bộ GD-ĐT tiến hành ra sao?
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu với các trường còn thiếu điều kiện này điều kiện kia, quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng.
Về phía Bộ, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo, kể cả các trường ngoài công lập, có thể tham gia các chương trình, đề án đào tạo giáo viên trình độ cao đã và sẽ mở trong thời gian tới.
Trong những ngày này, các đoàn thanh tra đang tiến hành thanh kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua, đợt này tiến hành với 80 trường. Tinh thần và cách làm cũng sẽ như đợt năm 2011.
Huỳnh Tư Định
(huynhtudinh@...vn): Vấn đề dạy chữ trước cho trẻ mầm non đến bao giờ mới cấm được, vấn đề này Bộ có biết không? Học sinh lớp 1, ngày học bán trú, tối đến về nhà vẫn có bài tập, ngày thứ bảy, chủ nhật vẫn đi học thêm, theo Bộ trưởng có cần thiết vậy không?
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thứ nhất, về việc dạy chữ trước, chúng tôi khẳng định, Bộ GD-ĐT đã có văn bản cấm việc dạy chữ trước ở bậc mầm non. Còn ở tiểu học, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo về việc này.
Thứ hai, các cháu đã học 2 buổi ở trường, về nhà lại phải làm bài tập đến đêm thì tôi thấy không cần thiết. Cháu tôi năm nay học trung học cơ sở. Tôi bảo với cháu, học 2 buổi ở trường rồi, không phải học nữa. Cháu nhà tôi học lớp 8, học rất tốt. Điểm số cũng có hôm 9, 10 điểm, cũng có hôm 5, 6 điểm, có hôm 3, 4 điểm cũng không nên coi việc đó là điều gì quá ghê gớm.
Theo tôi, không cần thiết phải cho các cháu làm bài, học thêm quá nhiều sau khi chúng ta đã cho các cháu học 2 buổi/ngày.
- Bà Ngô Thanh Hằng, ở Thanh Xuân - Hà Nội: Ngành GD-ĐT đã có một số biện pháp để ngăn ngừa nhưng tình trạng lạm thu được biến tướng, ngụy trang dưới nhiều hình thức nên rất khó xử lý, giải pháp nào cho vấn đề này, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vấn đề lạm thu trong các trường học chủ yếu là ở các thành phố lớn, các thị xã hay các vùng kinh tế phát triển đang gây nên bức xúc cho người dân. Chúng tôi cũng đã có điều tra nghiên cứu về vấn đề này.
Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc, có giải pháp cụ thể. Về phía Bộ, chúng tôi đã xem xét, soạn thảo, đưa lên mạng
internet để lấy ý kiến nhân dân và cũng đã ký ban hành điều chỉnh điều lệ của hội cha mẹ học sinh. Trong đó quy định nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền lo việc trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường, lo việc thưởng, bồi dưỡng các thầy cô giáo.
 Các phụ huynh học sinh nào có tấm lòng, điều kiện hỗ trợ giúp đỡ nhà trường, các bậc phụ huynh ấy tự mình tới gặp ban giám hiệu, phòng tài vụ ủng hộ, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc.
Trước góp ý của nhân dân trên phương tiện truyền thông, chúng tôi đã ký ban hành các quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ có giải pháp về mặt hành chính chưa thể giải quyết được, mà cần những giải pháp đồng bộ, trước hết là tuyên truyền vận động của các nhà trường, trong tổ dân phố, trong các tổ chức chính trị xã hội khác để tạo đồng thuận chung trong cả hệ thống để chúng ta đấu tranh với hiện tượng này.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Đối thoại là cơ hội nắm bắt được nguyện vọng người dân

Những buổi đối thoại trực tiếp với cơ quan nhà nước nói chung và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói riêng là hoạt động rất đáng hoan nghênh. Đây là hoạt động mang tính chất đối thoại trực tiếp với nhân dân thì người dân thường quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể trước thực tiễn đời sống đa dạng. Như vậy, với những câu hỏi cụ thể Bộ trưởng cũng cần trả lời chi tiết, nhưng theo tôi, với vị trí của một người đầu ngành thì dù các câu hỏi có thể nhỏ và cụ thể thì câu trả lời cũng cần khái quát những công việc mang tầm quản lý nhà nước vĩ mô. Hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân là hoạt động nên khuyến khích với các cấp quản lý, sẽ làm cho các nhà quản lý kể cả những người quản lý cấp cao, gần gũi với nhân dân nắm bắt được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của đông đảo người dân. Và theo tôi qua các cuộc đối thoại như vậy, xử lý các ý kiến, thắc mắc của nhà quản lý cấp cao thì phải có tính khái quát để mở rộng thông tin trước các vấn đề cụ thể giúp người dân hiểu rõ hơn bản chất vấn đề.
GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Điều tôi muốn thấy, lại chưa có...

Tôi đã theo dõi cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Nhìn chung, các câu hỏi của người dân đều được Bộ trưởng trả lời tương đối đầy đủ ngoại trừ một số câu được hẹn sẽ trao đổi tiếp tục sau. Tuy nhiên, điều tôi muốn thấy trong buổi đối thoại này lại chưa có. Phần lớn các câu hỏi đều nêu các vấn đề cụ thể với mỗi cá nhân bởi vậy không phải là câu hỏi khó với một Bộ trưởng. Điều mà những người tâm huyết với giáo dục muốn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời là yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã được đặt ra với ngành và với Bộ trưởng hơn 1 năm nay thì đã được thực hiện đến đâu. Tôi lo rằng đến năm 2020, yêu cầu này phải được thực hiện là điều khó có thể làm được. Cuộc trao đổi trực tuyến của Bộ trưởng chưa đề cập đến vấn đề này và vì vậy chưa thực sự đạt yêu cầu như chúng tôi mong muốn.