“Bà trùm”
Năm xưa, Đặng Thị Ba là một cô giáo. Ngoài chất giọng dễ nghe lại có tài khéo ăn khéo nói, đặc biệt là khuôn mặt trông phúc hậu khiến nhiều người dễ tin tưởng. Với uy tín của bản thân nên khi hay tin cô giáo Ba nghỉ dạy để kinh doanh dịch vụ chuyển tiền thu cước và cho vay tiền với lãi suất “hấp dẫn” đã có rất nhiều người tìm đến nhờ cậy cô. Chỉ trong vòng 2 năm kể từ ngày “buông phấn bỏ lớp”, tiếng của cô giáo Ba về mức độ giàu có đã nhanh chóng lan truyền khắp xứ Lạng. Cũng chính từ đấy, người ta không còn gọi Đặng Thị Ba là cô giáo Ba như ngày nào mà là “bà trùm” buôn tiền với biệt danh Ba “xé”.
Thời điểm đó, ai cần tiền gấp đều tìm tới bà Ba “xé” để nhờ giúp đỡ. Ngược lại, nghe tiếng bà Ba “xé” “nhập” tiền với lãi suất “hấp dẫn”, từ người giàu tới người nghèo ùn ùn “đổ” tiền cho “bà trùm” vay để hàng tháng nhận lãi suất “chợ đen”. Trong vòng 2 năm đầu, Ba “xé” chứng tỏ mình là người có chữ nghĩa, từng là giáo viên nên làm ăn rất uy tín, trả lãi cao đúng hẹn không sai một ngày nên chẳng khiến ai nghi ngờ gì. Rồi đến một ngày Ba “xé” bỏ trốn, tất cả các khu vực đổi tiền ở Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng đã náo loạn cả lên vì có quá nhiều người là nạn nhân. Thời ấy đồng tiền có giá trị khi vàng chỉ khoảng gần 5 triệu đồng/cây. Người ta bàn tán rằng Ba “xé” đã “cuỗm” khoảng gần 2.000 cây vàng của rất nhiều nạn nhân rồi “cao chạy xa bay”. Sau này tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn, Ba “xé” khai rằng bà cũng nạn nhân trong một đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn, số tiền bà chiếm đoạt được lớn như vậy chủ yếu là do bà cho vay để hưởng lãi nhưng cũng bị “chạy” mất không thu hồi được. Cho đến thời điểm Ba “xé” bị Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ sau 18 năm thì mọi cách thức, thủ đoạn lẫn quy mô của những vụ vỡ “tín dụng đen” xảy ra hàng loạt trên tất cả các tỉnh thành trên cả nước vẫn không có nhiều đổi khác nhưng nhiều người vẫn không thể rút ra bài học xương máu về “tín dụng đen” từ những hệ quả của nó.
Đội lốt bà lão bán xôi
Sau khi bỏ trốn, Ba “Xé” đã chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi tá túc một thời gian. Ngày đó không ít con nợ của Ba “Xé” không cam tâm nhìn tiền không cánh mà bay đã lùng sục khắp nơi tìm kiếm nhưng tuyệt nhiên không có một chút manh mối nào về cựu giáo viên lừa đảo này. Hồ sơ của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lạng Sơn thể hiện, cuối thập kỷ 90, khoảng những năm 1998- 1999, Ba “xé” đã trốn ra nước ngoài nhưng sau đó lại quay trở về nước. Ngày trở về Ba “xé” ẩn tích sống trong một căn nhà nhỏ khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh. Để ẩn danh, “bà trùm” buôn tiền chấp nhận sống trong vỏ bọc của một bà lão bán xôi hiền lành, tần tảo. Mới sớm, công nhân các khu công nghiệp thấy một người phụ nữ trung niên xếp 2 thúng xôi ngồi bán ở đầu một ngõ nhỏ bên cạnh ông chồng chạy “xe ôm” đứng đợi khách. Cuộc mưu sinh mai danh ẩn tích, sống qua ngày nuôi con ăn học của Ba “xé” cứ lẳng lặng trôi qua như vậy cho đến một ngày có 3 vị khách đặc biệt đến trước mặt thông báo: “Đặng Thị Ba, bà đã bị bắt”. Tính đến ngày hôm đó, Ba “xé” đã bỏ trốn được gần 18 năm.
Vị khách đặc biệt
1 trong 3 vị khách đặc biệt hôm đó, người mà đã nhiều lần trong nhiều năm lặn lội vào miền Nam truy tìm tung tích của Ba “xé” chính là Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Triệu Văn Điện, Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Ngày “bà trùm” Ba “xé” bỏ trốn khỏi Lạng Sơn, Đại tá Triệu Văn Điện khi ấy đang là Phó phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn với hàng loạt chiến công hiển hách trong sự nghiệp bảo vệ biên giới phía Bắc và phá tan hàng loạt các băng cướp nổi tiếng ở xứ Lạng.
Đại tá Triệu Văn Điện chia sẻ: “Truy bắt tội phạm trốn nã chưa bao giờ là một thách thức dễ vượt qua cả”. Đặc biệt trong vụ án này, đối tượng Ba “xé” lại chính là cô giáo dạy bộ môn Vật lý của anh cách đây 20 năm. Đại tá Triệu Văn Điện nhớ lại: “Tôi là học trò của cô Ba từ thời cô còn dạy học ở thị trấn Đồng Mỏ, khi ấy tôi đang ôn thi với quyết tâm sẽ đỗ bằng được vào Đại học Cảnh sát, vốn là ao ước bấy lâu. Tôi vẫn gặp nhiều khó khăn với môn Vật lý nên đã quyết định cắp sách vở đến học lớp bồi dưỡng của cô giáo Ba mở. Tôi vẫn nhớ như in trong đầu mình ngày ấy rằng, cô giáo Ba dạy chúng tôi là một cô giáo nghèo. Cô ít nói, hiền lành và tận tâm với học trò, chỉ bảo rất tận tình cho chúng tôi cách giải các bài tập khó... Vậy mà cô giáo đã từ bỏ sự nghiệp cao quý ấy để trở thành một người phạm tội. Biết trước sẽ có cuộc hội ngộ không mong muốn này, nhưng không ngờ nó dài đến thế”.
Nhớ lại ngày 10-3-2011, khi Đại tá Điện cùng đồng đội dẫn giải Ba “xé” về tới thành phố Lạng Sơn, lúc này anh mới chào lại cố nhân: “Cô còn nhớ em không?”. Ngước nhìn khuôn mặt của người cán bộ cảnh sát sạm đen vì sương gió, bà Ba ngơ ngác lắc đầu không thể nào nhận ra nổi. Một cuộc hội ngộ trớ trêu của cuộc đời. Một người dành một phần không nhỏ của cuộc đời mình sống trong sự trốn chạy và chui lủi để bỏ mặc những hậu quả do mình gây ra; một người dành toàn bộ thời gian ấy để bắt cái ác phải lộ diện trước ánh sáng pháp luật. Khi hỏi về hành trình truy bắt đối tượng Ba “xé”, Đại tá Điện trầm ngâm, chắc hẳn trong thâm tâm vị cán bộ cảnh sát dày dạn kinh nghiệm này chất chứa nhiều cảm xúc. Trong câu chuyện của mình, anh luôn gọi đối tượng mà mình cùng đồng đội phải vất vả lắm mới bắt được này bằng ngôn ngữ trân trọng. Anh chia sẻ: “Một ngày là thầy thì mãi mãi vẫn là thầy, cái nghĩa ấy không bao giờ thay đổi. Còn về hành trình truy bắt cô Ba, nhiều ly kỳ và cũng không ít kỉ niệm. Cứ có tin báo về từ cơ sở là chúng tôi lập tức lên đường truy tìm đối tượng ngay, bất kể ngày đêm hay thời gian nào. Có lúc biết tin cô Ba đang ở Tây Ninh, chúng tôi tìm vào nhưng thông tin kiểm tra là của 2 tháng trước đó. Rồi nhiều lần khác, lần theo dấu vết của cô Ba không khác gì bóng chim tăm cá, khó khăn vô cùng”...
Trả giá
Khi biết tin đích xác Đặng Thị Ba đang trú ngụ tại một con ngõ nhỏ nằm ở ngoại thành TP Hồ Chí Minh, giáp với tỉnh Bình Dương; Đại tá Triệu Văn Điện cùng hai trinh sát khác đã lẳng lặng lên đường và bí mật xác định mục tiêu. “Khi biết đúng là đối tượng bị truy nã bấy lâu nay, chúng tôi quyết định ập vào bắt giữ. Khi nhận ra các chiến sĩ truy nã tội phạm đang đứng trước mặt, Đặng Thị Ba tỏ ra rất bình tĩnh, bà ta dừng tay bán xôi và xin cho chuẩn bị một ít đồ dùng, thuốc uống mang theo. Đặng Thị Ba chỉ nói một câu, biết trốn ngần ấy năm rồi mà các anh vẫn tìm ra được thì trốn làm gì” - Đại tá Điện cho biết - “Cho đến ngày tra tay vào còng, cô Ba đã gần 60 tuổi và bị căn bệnh tiểu đường hành hạ đã nhiều năm. Có lẽ niềm tự hào duy nhất của cô đến lúc này đó là 2 người con đều ngoan và học hành tử tế, cháu lớn đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc cho công ty liên doanh nước ngoài. Nghe cô Ba kể đến đây, tôi đã nói với cô rằng, có lẽ đó chính là những may mắn và chút phúc mà những tháng ngày cô đứng trên bục giảng làm nghề giáo đã để lại cho cô”…
Gần 1 năm sau ngày bị bắt, Đặng Thị Ba đã được đưa ra xét xử trước pháp luật. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, Tòa án đã tuyên phạt Đặng Thị Ba 16 năm tù vì tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 18 năm trốn chạy khắp nơi trong sự nơm nớp lo sợ để rồi vẫn phải đối diện với chính những tội lỗi năm nào; 16 năm tiếp theo để trả nợ trước bản án của pháp luật là một cái giá quá đắt cho một đời người. Sau khi bị bắt, kể lại những năm tháng đã qua cuộc đời mình, trong 18 năm lẩn trốn, Đặng Thị Ba chưa lúc nào thôi giật mình bởi sự xuất hiện của một ai đó là người lạ; đó có thể là bất cứ ai trong số những người mà bà đã chiếm đoạt tiền vô tình nhận ra, đó có thể là ánh mắt của lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm... Nhưng trong sự khốn khổ của cuộc sống chui lủi, Đặng Thị Ba lại hào hứng nhất khi nhớ về những năm tháng cùng chồng đồ xôi, tằn tiện kiếm từng đồng qua ngày nuôi con ăn học. Những đồng tiền tuy ít ỏi ấy mà Đặng Thị Ba kiếm được chắc chắn sẽ giúp đối tượng này cảm thấy thanh thản cho lòng mình hơn qua những ngày trả án trong trại giam khi ngẫm về quá khứ, bởi đó là những đồng tiền chân chính được làm ra từ mồ hôi, nước mắt chứ không phải là những đồng tiền phi pháp mà Đặng Thị Ba đã lừa của không biết bao nhiêu người.