17 năm, 2 đời chồng đắng cay, tủi nhục nơi xứ người (2)

ANTĐ - Bị lừa bán sang Trung Quốc, không tiền bạc, không biết ngôn ngữ bản địa, không thân thích và cũng không thể về lại quê nhà, cuộc đời bà N. bước vào những ngày tháng dài tủi nhục…
Đắng cay nơi xứ người
Khi biết mình đã bị bọn buôn người lừa sang Trung Quốc để bán, bà N. đau đớn tột cùng. Bà van xin, chống cự rồi tuyệt thực nhưng chẳng xá gì với sự nhẫn tâm của bọn buôn người, nhiều lần bà còn bị bọn chúng đánh đập thậm tệ. Chẳng có cách nào để trốn thoát, bà N. chỉ biết khóc ròng ngày này sang ngày khác.
Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, bà N. đành phải thuận theo lời của những tay buôn người. Bà đã ở cái tuổi 46 nên bọn chúng không thể bán vào nhà thổ hay cho những người đàn ông trẻ giàu có. Chúng đưa bà lên một vùng rừng núi nghèo heo hút, mà bà không hề hay biết là ở đâu, rồi bán bà cho một người đàn ông nghèo, độc thân.
“Họ đưa tôi đi, đi mãi đến một ngôi nhà đất tại vùng núi hẻo lánh, gặp một người đàn ông độc thân làm ruộng gầy yếu, hơn tôi vài tuổi. Tôi thấy họ trao đổi với người đàn ông đó bằng tiếng Trung Quốc, rồi bảo tôi ở lại đó và họ bỏ đi không một lần quay lại”. Nói đến đây, nước mắt bà N. lại chảy dài trên đôi gò má hõm sâu. Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khá lâu rồi mới được tiếp tục...

Bà N. nghẹn ngào kể lại những ngày cay đắng, tủi nhục trên đất khách

Trở thành vợ của một người đàn ông xa lạ, không biết tiếng, không tiền bạc, không biết mình đang ở đâu nơi xứ người, nên không thể trốn về, lại nhớ chồng con ở quê nhà, bà N. đã phải trải qua chuỗi ngày hết sức khó khăn.

Cuộc sống nghèo khổ, bà phải theo chồng lên rừng phát rẫy, chăn gà. Mấy tháng sau, ngoài công việc của gia đình, có ai gọi thì bà lại quần quật đi làm thuê kể cả những việc nặng nhọc. “Từ bửa củi, trồng rừng, cuốc cỏ, cái gì tôi cũng làm hết. Tôi làm với ý nghĩ sẽ tích góp cho mình đủ tiền để bỏ trốn về quê hương”, bà N. nghẹn ngào.
Sau 2 năm sống với người chồng bất đắc dĩ, 2 người đã xin về một cháu gái để nuôi. Dù là không phải là con đẻ, nhưng nhớ thương con cháu ở quê nhà, bà dành hết tình cảm vào đứa con nuôi như một niềm an ủi.
Thế nhưng những cay đắng, tủi nhục đâu chịu buôn tha người đàn bà tội nghiệp này. Một ngày tình cờ bà gặp một người phụ nữ Việt, bà không biết rõ họ tên, chỉ biết họ kêu người phụ nữ này là “Hằng thọt”.
Gặp được người đồng hương có thể hiểu ngôn ngữ của mình, bà được cởi lòng, nức nở khóc kể lại hai năm sống tủi nhục ở đất người. Nghe bà N. kể, Hằng an ủi và nói có muốn bỏ chốn rừng núi heo hút về chốn thành thị để có thể kiếm việc và tìm đường về Việt Nam. “Ơn mày, mày giúp tau, tau bị lừa bán sang đây rồi, mày đừng lừa tau nữa”, tôi nói với chị ta. Chị ta trả lời “em không lừa chị đâu, chị yên tâm”, bà N. nghẹn ngào kể.
Như người chết đuối bám được phao, bà N. không mảy may nghi ngờ, ít ngày sau đã dẫn đứa con nuôi theo chân Hằng trốn đi. Tưởng rằng mình sắp được giải thoát, bà N. không thể ngờ mình đã rơi vào tay một kẻ buôn người chuyên nghiệp khác.
Bà N. đau đớn kể lại: “Tôi bỏ trốn theo bà ấy đi tới vùng đất mà sau này tôi phải sống với người đàn ông Trung Quốc thứ 2 trong suốt 15 năm. Đưa tôi đến đó, chị ta bố trí cho tôi gặp một người đàn ông, nói là người thân quen. Chị ta nói ở đó chờ chị ta đi mua đồ ăn, không ngờ chị ta đi một mạch rồi không quay trở lại. Khi đó tôi mới hiểu mình đã bị lừa, bị bán một lần nữa”.
17 năm tủi nhục để có một ngày về

Người đàn ông thứ 2 cũng không hơn gì người thứ nhất, theo lời kể của bà N., ông ta hơn bà khoảng dăm tuổi, là một nông dân nghèo, người gầy guộc, sống độc thân, đổ bệnh thường xuyên.

Bà N. bị lừa bán lúc đứa cháu ngoại mới 3 tháng tuổi, khi trở về, đứa cháu nhỏ đã trở thành thiếu nữ

Sống với nhau nhưng không biết tiếng, muốn nói với nhau cái gì thì bằng ký hiệu là chủ yếu, tủi nhục và cơ cực trăm đường. Tuyệt vọng, nhiều đêm bà N. đã muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình, nhưng nghĩ đến chồng, con và đứa con nhỏ mình mang theo bà lại thôi ý định dại dột ấy. Bà cắn răng chịu đựng, hi vọng một ngày sẽ được về quê cha đất mẹ.
Qua 2 lần bị lừa bán, bà N. không còn dám bỏ trốn như lần nữa. Cuộc sống vất vả, khó khăn, sống với người chồng xa lạ không có tình cảm, bà N. đã dành tất cả tình cảm cho đứa con gái nuôi bé bỏng. 
Cuộc sống với người chồng Trung Quốc thứ 2 cứ lặng lẽ trôi suốt 15 năm ròng rã, lấy đi của bà bao nhiêu nước mắt. cuộc sống của bà cũng dần có sự thay đổi, ngoài đứa con gái nuôi thương mẹ, người chồng thấy bà chăm lo gia đình cũng thay đổi nhiều. “Thấy tôi tận tình chăm sóc chồng, con, ông ấy cũng thương tình, không còn nổi nóng, dọa đánh như những ngày đầu. Tôi vì thế cũng phần nào đỡ tủi thân hơn”, bà N. kể.
Theo lời bà N, lần trở về này không phải bà trốn, mà được người phụ nữ tên Thảo, người huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lấy chồng ở Trung Quốc, mà bà đã quen đã 12 năm giúp đỡ. Trước đó, có lần người phụ nữ này cũng hỏi bà có muốn về Việt Nam không, chị sẽ giúp đỡ đưa về. Nhưng đã 2 lần bị bán nên bà không dám làm theo.
Sau này tin tưởng chị Thảo hơn, bà đồng ý để chị Thảo giúp và bày tỏ tâm nguyện với chồng được trở về thăm lại gia đình, các con trước khi chưa quá muộn. Bà kể: “Tôi nói với ông ấy, ở Việt Nam tau đông con, đông cháu lắm cho tau về thăm con cháu. Ông trả lời, mày về thì cho mày về thăm con, thăm cháu rồi sang. Xin tiền về thì ông nói, tau không có tiền, nghèo không có cho nhiều nhưng cho đủ tiền để về. Có nhiều người xung quanh nói với ông ấy là cho tôi về thì tôi sẽ không quay lại, nhưng ông ấy vẫn cho tôi về...”.
Trải qua bao nhiêu cay đắng, cực khổ, nhiều đêm không ngủ, cố gắng chịu đứng và bám trụ bà N. chỉ mong một ngày được trở về với chồng và các con. Vậy mà phải mất tới 17 năm bà N. mới có một cơ hội.

Kỳ cuối: Ra đi tay trắng vì khốn khó trở về... trắng tay