Ấn Độ:

15.000 người chết mỗi năm vì tai nạn tàu hỏa

ANTĐ - Báo chí Ấn Độ đưa tin, Ủy ban an toàn chính phủ Ấn Độ đã cáo buộc các nhà chức trách nước này đã gây ra “một cuộc tàn sát” sau khi có một bản báo cáo thống kê hàng năm có tới 15.000 người chết khi tìm cách băng qua đường ray xe lửa có ở khắp nước này.

Chỉ tính riêng ở hệ thống đường ray ngoại ô thành phố đông dân cư Mumnai mỗi năm cũng có khoảng 6.000 người bị thiệt mạng, bản báo cáo của Ủy ban an toàn công bố. Bên cạnh đó có khoảng 1.000 người khác bị chết khi bị rơi từ các toa tàu chật cứng người hay khi tàu va chạm nhau hoặc trật đường ray.

Ban an toàn chính phủ Ấn Độ nói rằng các khuyến cáo đưa ra trước đó nhằm làm cho hệ thống đường sắt lớn thứ 4 thế giới này trở nên an toàn hơn đã bị phớt lờ. Báo cáo của họ nhấn mạnh rằng các nhà chức trách ngành đường sắt không muốn làm rõ chi tiết về cái chết của những người bị tàu gây ra khi băng qua đường là tai nạn.

Phần lớn những cái chết xảy ra tại những đoạn cắt không có nhân viên kiểm soát, báo cáo đưa ra cuối tuần trước xác định.

 Một vụ tai nạn đường sắt

 Một vụ tai nạn đường sắt

Hệ thống đường sắt dài 64.000 km của Ấn Độ chạy cắt ngang qua hầu hết các tuyến thành phố có dân cư đông đúc, hai bên là những thị trấn lụp xụp, ở khắp đất nước 1,2 tỉ dân này.

Các chuyên gia ngành đường sắt cho biết việc ngăn không cho người đi đường băng qua đường ray ở các khu vực đông đúc như vậy hầu như là khó thực hiện.

“Ở Mumbai tình huống trên là vô cùng nguy hiểm bởi ở đây có 4 đến 5 đường ray chạy qua, thậm chí là còn nhiều hơn nữa, chúng nằm song song và người dân ở những khu phố ổ chuột ở hai bên đường không có lựa chọn nào khác khi di chuyển là phải băng qua đường ray”, Ims Rana, một chuyên gia đường sắt nói.

Ủy ban Đánh giá An toàn Mức cao đã được chính phủ nước này thiết lập vào tháng 9 năm ngoái sau khi xảy ra một loạt các vụ tai nạn liên quan đến ngành đường sắt. Theo thống kê cho thấy mỗi ngày ở Ấn Độ có khoảng 20 triệu người dùng tàu lửa làm phương tiện di chuyển.

Bản báo cáo yêu cầu chính phủ trong vòng 5 năm tới phải khẩn trương thay thế tất cả các đoạn đường giao cắt bằng cầu hoặc đường tránh với chi phí ước tính khoảng 500 tỉ rupi (10 tỉ USD).

Báo cáo này cũng nói rõ quan điểm không thể chấp nhận ở một xã hội có đông dân cư nào mà lại xảy ra một thảm họa lớn về con người ngay trên hệ thống đường sắt của mình như vậy. “Nguyên nhân của việc cố tình băng qua đường là vì thiếu hệ thống rào chắn, cầu vượt, đường tránh cũng như một loạt các yếu kém về cơ sở hạ tầng như nhà ga, thang máy cho những người tàn tật, đó là còn chưa kể đến chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt chưa bao giờ đáp ứng được”, báo cáo nêu rõ.