13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Tổng cục thống kê, trong 3 tháng đầu năm, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhẹ, nhưng quy mô vốn của doanh nghiệp lại tăng lên đáng kể.
Sản xuất kinh doanh dần phục hồi

Sản xuất kinh doanh dần phục hồi

Tổng cục thống kê cho biết, trong tháng 3/2021, cả nước có 11.171 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,8 nghìn người, tăng 39% về số doanh nghiệp, giảm 37,1% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động so với tháng 2/2021.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 54,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 525,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2021 là 973,1 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 3 tháng qua, có 14,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 lên 44 nghìn doanh nghiệp; trung bình mỗi tháng có gần 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong quý I/2021, có 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thống kê này cho thấy, trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp được “sàng lọc tự nhiên”, doanh nghiệp nào sống được sẽ phát triển về quy mô, còn doanh nghiệp nào yếu, không có thực lực cạnh tranh sẽ bị loại khỏi thị trường.

Cũng theo Tổng cục thống kê, mặc dù dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, song với việc ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam và tín hiệu lạc quan từ các nước, doanh nghiệp Việt Nam khá lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy: Có 68,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn và ổn định so với quý IV/2020.

31% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2021 tăng so với quý IV/2020. Dự báo quý II/2021 so với quý I/2021, có 52% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng.

Về đơn đặt hàng, có 27,8% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2021 cao hơn quý IV/2020 và trong quý II tới đây, tỷ lệ doanh nghiệp tăng đơn hàng còn tăng gần gấp đôi, lên 47,5%.

Kéo theo đó, đơn đặt hàng xuất khẩu cũng dự kiến tăng mạnh trong 3 tháng tới, khi có 37,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên, tăng hơn 12% so với quý I vừa qua.