12 tháng, giá thịt lợn tăng gấp đôi

ANTĐ - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết, gần 1 năm qua, trong khi giá vàng tăng khoảng 33-35% thì giá thịt lợn đã tăng 100%.
 

- Người Hà Nội đang phải mua thịt lợn đắt hơn ở Mỹ, ông có bình luận gì về thông tin này?

- Theo dõi những tháng vừa qua cho thấy, giá thực phẩm có biến động, riêng mặt hàng thịt lợn giá tăng rất cao. Năm ngoái, giá vàng là 28 triệu đồng/lượng, năm nay đứng ở mức 37-38 triệu đồng/lượng. Nhưng, thịt lợn hơi năm 2010 chỉ có 37.000 đồng/kg năm, nay đã vọt lên hơn 72.000 đồng/kg.

- Có phải do hệ thống phân phối quá yếu nên giá thịt bị đội lên không, thưa ông?

- Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thức ăn chăn nuôi phần lớn là nhập nên khi giá đầu vào thế giới tăng có ảnh hưởng rất lớn tới nội địa. Yếu tố dịch bệnh cũng quan trọng vì chúng ta chưa khống chế được triệt để. Khi có dịch lan rộng, số lượng đàn lợn sẽ ảnh hưởng, cung ngay lập tức không đáp ứng được cầu. Ngoài ra, hiện nay, giá cả tại Trung Quốc cũng tăng cao nên rất nhiều thương lái Trung Quốc sang thu mua, gom tất cả các loại thực phẩm, trong đó, có thịt lợn làm giá lợn hơi tăng mạnh.

- Thành phố có giải pháp nào để bình ổn giá thịt cũng như giá thực phẩm?

- Trong tình hình này, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát, dự báo kịp thời để thông tin trao đổi với các đơn vị thương mại có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tránh tình trạng khan hàng, cháy hàng quá mức có thể tác động tiêu cực tới giá cả. Quỹ bình ổn giá cũng luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng. Bên cạnh đó, TP cũng tập trung kiểm soát, chống đầu cơ, găm hàng...

- TP có hỗ trợ người nông dân để tiếp tục củng cố nguồn hàng cung cấp cho thị trường?

- Bên cạnh giải pháp bình ổn giá, về lâu dài, thành phố sẽ có những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho các vùng chăn nuôi tập trung, giúp người nông dân tăng thu nhập, ổn định nguồn cung cho thành phố. Có thể sẽ hỗ trợ về giống, vay vốn hay hỗ trợ phòng chống dịch bệnh để độ rủi ro của người chăn nuôi giảm xuống.

Giá thịt lợn tăng nhanh gấp 3 lần giá vàng

- Hà Nội chi khá mạnh tay cho bình ổn giá nhưng doanh nghiệp vẫn phàn nàn tiền về rất chậm, không kịp phục vụ chuẩn bị nguồn hàng?
- Các sở, ngành đều tích cực trong vấn đề này. Tiền về chậm là do quy trình, không phải do các ngành chức năng cố ý gây khó khăn. Giá cả tăng mạnh, như thịt lợn tăng gấp đôi so với năm ngoái nên nếu muốn đủ thì thay vì bỏ ra 400 tỷ đồng, phải chi 800 tỷ đồng mới đúng. Nhưng TP cũng phải cân đối nhiều khoản chi khác nên con số đưa ra có chừng đó. Phải nói thật là, khoản tiền 475 tỷ đồng so với yêu cầu bình ổn giá của thị trường có sức mua 6,5 triệu dân và gần 2 triệu người vãng lai thì quả thật quá nhỏ bé. Vì thế, phải có nhiều biện pháp khác nữa để bình ổn giá chứ không thể chỉ trông chờ vào Quỹ bình ổn giá.
- Ông có thể dự báo diễn biến giá cả từ nay đến cuối năm?
- Vài tháng trở lại đây, các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát đã có tác dụng. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng - CPI đã giảm xuống. Do độ trễ của chính sách, những tháng tới, tốc độ tăng giá sẽ tiếp tục chậm lại. Tôi tin lạm phát cả năm 2011 sẽ dừng trong khoảng 15-17%.