12 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh

ANTD.VN - Như ANTĐ thông tin, ngày 8-1-2018, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án Đinh La Thăng cùng đồng phạm ra xét xử về các tội “Cố ý làm trái…” và “Tham ô tài sản”. Những luật sư nào sẽ bào chữa cho nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)?.

Chiều 27-12, thông tin mà phóng viên Báo ANTĐ nắm được là tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo Đinh La Thăng có 3 luật sư tham gia bào chữa. Đó là các luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng, đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội và luật sư Phan Trung Hoài, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM.

Tại phiên tòa tới đây, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ bị truy tố và xét xử về tội “Cố làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3, Điều 165-BLHS. 

Đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cũng có tới 9 luật sư tham gia bào chữa. Bị cáo này bị truy tố cùng lúc về tội theo Điều 165 và tội “Tham ô tài sản”, Điều 278-BLHS.  

Bị cáo Đinh La Thăng cùng các bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án

Tính đến thời điểm này, TAND TP Hà Nội đã nhận được đề nghị bào chữa của hơn 40 luật sư cho 22 bị cáo trong vụ án. Trong số này thì bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh có tới 12 luật sư tham gia bào chữa.   

Và ngoài 2 bị cáo trên thì 19 bị cáo liên quan (hầu hết đều thuộc PVN và PVC) cũng lần lượt bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC cũng bị truy tố cùng lúc về tội danh như Trịnh Xuân Thanh.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.

Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn, đồng thời thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia. Trong đó, có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhưng quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau mà các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn. Thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng cứ khống rút tiền từ dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và gây mất lòng tin của nhân dân. Do đó, cần phải được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Cũng theo cáo trạng, quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC; chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC với PVC trái quy định. Sau đó, bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích.

Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Vì thế, hành vi của nguyên Chủ tịch HĐT PVN đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại khoản 3, Điều 165-BLHS năm 1999.

Đối với Trịnh Xuân Thanh, cơ quan tố tụng xác định, quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng.

Kế đến, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác và không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, góp phần gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 119 tỷ đồng.

Tiếp đến, cáo trạng xác định Phùng Đình Thực với vai trò là Tổng giám đốc PVN (thời điểm phạm tội) đã cùng Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, rồi chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng cho PVC.