12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công Thương thua lỗ: "Khai tử" hay tiếp sức để hồi sinh?

ANTD.VN - Phương án xử lý đối với 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ đang được Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện. 

Nhà máy đóng tàu Dung Quất nằm trong những dự án kinh doanh thua lỗ

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 2 vào cuối tháng 3 của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì đã tạo ra tiền đề để xử lý được 60-70% khối lượng công việc của 12 dự án thua lỗ.

“Chân dung” 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ

12 dự án nghìn tỷ của Bộ Công Thương thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả bao gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án đạm DAP Lào Cai; Dự án DAP Hải Phòng; Dự án Ethanol Bình Phước; Dự án Ethanol Phú Thọ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai. Như vậy, trong số 12 dự án nêu trên, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) có 4 dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 5 dự án, 2 dự án có “bóng dáng” Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel).

Bức tranh kinh tế của 12 dự án này rất ảm đạm với những khoản lỗ hàng nghìn tỷ, hoặc chậm tiến độ, hoặc “chết lâm sàng”. Có thể kể đến là Dự án đạm Ninh Bình với số vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng nhưng tính đến cuối năm 2016, con số thua lỗ của dự án này là 2.700 tỷ đồng. Dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã dừng hoạt động từ ngày 17-9-2015 do hết vốn lưu động; PVTex không còn kinh phí để thực hiện bảo dưỡng thường xuyên hệ thống máy móc thiết bị. Tính đến ngày 30-9-2016, PVTex lỗ lũy kế hơn 3.209 tỷ đồng và dự án tiếp tục âm vốn chủ sở hữu do phải tính khấu hao tài sản cố định.

Tương tự, Dự án DAP Hải Phòng của Vinachem có vốn đầu tư 172 triệu USD, khởi công từ năm 2003 nhưng đến năm 2009 mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, lũy kế đến tháng 9-2016, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần chỉ 842 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015 và lợi nhuận sau thuế âm 324 tỷ đồng. Trong khi đó, do được chuyển về từ Vinashin nên dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất luôn trong tình trạng lỗ. Còn dự án đạm Hà Bắc, dự án ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ, Bình Phước đều có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng đều trong tình trạng thua lỗ hoặc “đắp chiếu”. 

Đủ lý do thua lỗ

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, có hàng loạt nguyên nhân khiến các dự án nghìn tỷ nêu trên thua lỗ nặng. Chẳng hạn như với Dự án xơ sợi Đình Vũ - lý do khách quan là bởi biến động lớn của giá dầu. Ngành xơ sợi gắn với thị trường dầu mỏ, mà khi làm dự án, giá dầu đang ở đỉnh, sau đó xuống chỉ còn 50 USD/thùng nên dự án lỗ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan khiến dự án nhanh chóng “đắp chiếu” là do hạn chế về nhận thức, sai lầm trong dự báo thị trường.

Dự án ra đời khi thị trường xơ sợi thế giới đã rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Sự thiếu hiểu biết về sản phẩm làm ra, không nắm vững thông tin thị trường cũng được cho là nguyên nhân chính khiến Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước thất bại. 

Đối với Dự án Giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, năm 2008, tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng thêm tổng mức đầu tư lên 8.000 tỷ đồng do giá cả thị trường có nhiều biến động, tăng gần gấp đôi vốn đầu tư ban đầu.

“Nhà nước sẽ không bỏ tiền vào “cứu”, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, thay vào đó các tập đoàn, tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm về hiệu quả”

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tuy nhiên, do không huy động được vốn nên dự án chậm tiến độ, rồi “đắp chiếu”. Tương tự, Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) cũng không thống nhất được chi phí phát sinh trong quá trình triển khai nên dự án tạm dừng thi công.  

Có hàng loạt lý do khiến các dự án nghìn tỷ đồng không những không mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn “chôn” theo một khoản vốn đầu tư khổng lồ. Với Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, do nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc) không lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nên dự án liên tục gặp sự cố. Không những vậy, năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư quá yếu, không kiểm soát được mọi tình huống, không nắm bắt được nhu cầu thị trường nên thua lỗ.

Tự cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn

“Khai tử” hay tiếp sức để “hồi sinh” những dự án này? Để trả lời cho câu hỏi này hoàn toàn không dễ, vì nếu “khai tử” các dự án trên thì lãng phí rất lớn, nhưng nếu tiếp sức để dự án “hồi sinh” thì cũng cần đến một nguồn lực không nhỏ. Nguồn lực này hoàn toàn không phải “nói là có”. 

Trước những tồn tại, yếu kém của 12 dự án nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra hướng xử lý là các doanh nghiệp phải tự cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, Nhà nước sẽ không bỏ tiền vào “cứu”, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, thay vào đó các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc và chịu trách nhiệm về hiệu quả. “Xử lý số dự án, doanh nghiệp thua lỗ phải ít gây thất thoát tài sản Nhà nước và theo nguyên tắc thị trường. Không để đổ vỡ ảnh hưởng tới hiệu quả doanh nghiệp khác”, văn bản nêu chỉ đạo của Thủ tướng.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch giải quyết khó khăn cho các dự án này. Chẳng hạn như đối với xơ sợi Đình Vũ, theo tính toán của giới chuyên gia, nếu để nhà máy tự duy trì sản xuất rồi thoái vốn, thì đến năm 2019, nhà máy có thể bù được chi phí và có lãi. Tuy nhiên, PVTex rất khó làm được điều này. “Phương án phù hợp với dự án trong bối cảnh hiện nay là hợp tác với nước ngoài, trước mắt là sản xuất xơ PSF với công suất khoảng 400 tấn/ngày. Sau đó, dự án sẽ đi vào vận hành an toàn, doanh thu đủ bù chi phí”, một chuyên gia cho biết. Hiện tại, một đối tác Singapore đã thống nhất với PVTex về phương án hợp tác. 

Đối với 3 dự án ethanol bao gồm: Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Ethanol Bình Phước và Ethanol Phú Thọ, kế hoạch thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng E5 trên cả nước được coi là “bùa hộ mệnh” giúp các dự án này “hồi sinh”. Nhu cầu ethanol sẽ tăng nên các nhà máy có thể chạy 100% công suất.

Đáng chú ý là hướng xử lý hướng đến việc phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai dự án. Với Dự án giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, trước khó khăn hiện tại, mới đây TISCO đã kiến nghị được vay thêm vốn và gia hạn trả nợ. Tuy nhiên, phương án xử lý đưa ra là sẽ giảm phần vốn Nhà nước tại TISCO xuống dưới mức chi phối cần thiết theo quy định. 

Trong số các dự án thua lỗ này, Nhà máy đạm Ninh Bình là trường hợp may mắn nhất khi Vinachem đã hỗ trợ 49 tỷ đồng. Nhà máy đã hoạt động trở lại với hơn 80% công suất. Dự kiến năm 2018, nhà máy sẽ hòa vốn và 3 năm tiếp sau, nhà máy sẽ có lãi.