110.000 tỷ thoái vốn Sabeco sẽ được sử dụng như thế nào

ANTD.VN - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, số tiền thu được từ thương vụ thoái vốn Sabeco hay Vinamilk trước đó sẽ không dành để trả nợ mà tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển.

Tại cuộc họp báo chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sáng nay, 25-12, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết số tiền gần 110.000 tỷ đồng thu về từ bán cổ phần Sabeco sẽ được chuyển vào Quỹ Cổ phần hóa DNNN được mở tại Kho bạc Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển.

“Theo quy định thì nhà đầu tư sẽ phải chuyển tiền trong vòng 10 ngày, hiện chúng tôi đang đôn đốc nhà đầu tư chuyển tiền về Kho bạc Nhà nước để phân bổ cho các dự án” – ông Đặng Quyết Tiến nói.

Theo ông, toàn bộ số tiền thoái vốn từ Sabeco hay các doanh nghiệp trước đó như Vinamilk đều là để tạo nguồn vốn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội. “Danh mục các dự án trung hạn đều đã có địa chỉ rõ ràng, do Quốc hội quyết, chỉ chờ nguồn vốn để đầu tư. Việc chi tiêu phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các địa phương, bộ ngành phải thực hiện đúng quy định. Việc chi tiêu như thế nào đã có hạch toán rõ ràng và hằng năm được kiểm toán đầy đủ”, ông Tiến khẳng định.

Về Quỹ cổ phần hoá DNNN, ông Đặng Quyết Tiến cho biết số tiền thu được từ các thương vụ được đưa vào quỹ này. “Tất cả được quản lý chặt chẽ, toàn bộ lãi nếu có khi tiền chưa dùng tới được hoàn vào quy mô quỹ đó, không chỉ chỉ tạo nguồn để phục vụ cân đối ngân sách mà còn chi giải quyết vấn đề lao động dôi dư sau cổ phần hóa và các vấn đề khác nữa.

Quỹ này có hơn chục năm rồi, thời gian qua ngân sách khó khăn, ta cần có nguồn lực để cân đối ngân sách sử dụng cho mục đích đầu tư. Quốc hội đã giao Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm là tạo nguồn từ cổ phần hóa thoái vốn 250.000 tỷ để phục vụ mục tiêu đầu tư” – ông nói.

Bộ Tài chính cho rằng không lo lắng các thương hiệu lớn của Việt Nam rơi vào tay người nước ngoài

Về việc Công ty TNHH Vietnam Beverage mua thành công 53% cổ phần của Sabeco là một doanh nghiệp mới thành lập cách đây 2 tháng, lại được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% vốn, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi đây là hành động “lách luật” của nhà đầu tư để gián tiếp sở hữu trên 50% vốn Sabeco, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài.

Theo đó, dẫn Nghị quyết của Chính phủ khẳng định những gì tư nhân làm tốt thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Chính phủ sẽ “không đi bán bia, bán sữa”, tức là sẵn sàng bán hết vốn ở các lĩnh vực này. Chính phủ không phân biệt doanh nghiệp sở hữu trong hay ngoài nước. Doanh nghiệp Việt nhưng có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư vẫn coi như doanh nghiệp Việt Nam. Ông cũng cho rằng cần sửa đổi một số luật hiện hành để tránh việc doanh nghiệp phải “lách luật” trong những tình huống tương tự.

Còn về lo ngại các thương hiệu Việt Nam sẽ rơi vào tay nước ngoài, ông Tiến cho rằng đối với thương vụ bia Sabeco, người Thái mua lớn như vậy thì chắc chắn họ sẽ vào. “Thương hiệu mất hay không, quan trọng nhất là khi ký hợp đồng chúng ta phải có ràng buộc, quy định như thế nào.  Thương hiệu trong hay ngoài nước không quan trọng, quan trọng là thương hiệu đó phải sống, thương hiệu do người dân, do thị trường quyết định”.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập thì quan trọng là các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Chúng ta sẵn sàng mời những doanh nghiệp nước ngoài mà đem lại lợi ích kinh tế, an sinh xã hội… cho đất nước, nhưng cũng sẵn sàng khai tử những doanh nghiệp trong nước mà làm ô uế hình ảnh thương hiệu quốc gia, như Khaisilk chẳng hạn” – ông Tiến nói.