11 lao động bị lừa đi Angola: Mang vạ vì thiếu thông tin

ANTĐ - Phần lớn số lao động mà chúng tôi tiếp xúc đều hết sức mù mờ về những thông tin tại nơi mà họ muốn đến làm việc. Đại đa số người nông dân đều nghĩ hết sức đơn giản, cứ ra nước ngoài làm việc là có thu nhập cao để giúp đỡ gia đình. Vì thế, chỉ đến khi rơi vào cạm bẫy thì đã quá muộn…

Những bản hợp đồng nhàu nát (đã dịch ra tiếng Việt)
mà các nạn nhân còn giữ được mang về từ Angola

Tiền mất tật mang

Tất cả số lao động mà chúng tôi có dịp tiếp xúc khi được hỏi: Đâu là cơ sở để các anh nộp một khoản tiền lớn như vậy cho Nguyễn Văn Hà, tất cả đều đưa ra một bản hợp đồng mà nhiều người phải bó tay vì được viết toàn bằng tiếng… Bồ Đào Nha. Thậm chí, trong bản hợp đồng đó (sau khi dịch ra tiếng Việt) còn có một điều khoản hết sức… giời ơi. Đó là: Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên sẽ ra tòa án Luanda giải quyết. Khi được hỏi, tòa án Luanda ở đâu thì mọi người đều… mù tịt. Tóm lại, người nông dân đã giao cả tiền bạc và tính mạng mình cho người khác để đi đến một phương trời xa lạ chỉ bằng niềm tin mà không hề có bất cứ ràng buộc nào mang tính pháp lý của Việt Nam. Cũng theo các nạn nhân của vụ việc này thì ở quê họ đã có hàng chục người ra đi theo cách như trên mà không hề gặp trở ngại nào. Với “miếng mồi” là công việc không quá vất vả, thu nhập bằng cả năm đi biển nên nó có sức hút rất lớn với người nông dân một nắng hai sương.

Điều mà chúng tôi băn khoăn nhất đến giờ phút này là không hiểu bằng cách nào Nguyễn Văn Hà lại có thể đưa hàng chục lao động ra nước ngoài làm việc (bằng visa lao động có thời hạn 1 năm) mà không hề gặp khó khăn nào. Trong khi đó về mặt nguyên tắc, lao động phổ thông sẽ không thể ký trực tiếp hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài vì họ thiếu hầu hết các yếu tố cần thiết như: trình độ nghề, ngoại ngữ, sự hiểu biết…

Để tìm lời giải cho câu chuyện của 11 lao động này, chúng tôi đã tìm gặp Nguyễn Văn Hà khi anh ta vào bệnh viện để lo khắc phục hậu quả với bệnh nhân Tô Văn Phúc. Tiếp chúng tôi một cách gượng gạo, Hà quanh co rằng, anh ta chỉ làm nhiệm vụ thu tiền và môi giới cho các lao động gặp một người tên Phạm Đình Luân để kiếm phần trăm hoa hồng. Còn Luân đưa lao động đi thông qua doanh nghiệp XKLĐ nào thì anh ta không biết. Khi chúng tôi tiếp tục hỏi Hà về trách nhiệm và thủ tục pháp lý liên quan tới XKLĐ thì anh ta cho biết, số lao động này đều có hợp đồng với công ty trong nước. Để chứng minh, anh ta cung cấp địa chỉ một doanh nghiệp đã ký “Hợp đồng dịch vụ tư vấn” với người lao động tại số 66 Lạc Trung, Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhưng khi chúng tôi tìm đến thì chủ nhà cho biết, công ty này đã chuyển địa điểm cách đây gần 2 năm và không biết hiện giờ ở đâu.

11 lao động bị lừa đi Angola: Mang vạ vì thiếu thông tin ảnh 2
Con nhỏ, chồng mang bệnh khi đi lao động xứ người, chị Nga (vợ anh Phúc)
không biết sẽ trả món nợ ngân hàng bằng cách nào

Bài học không mới

Để tìm hiểu thực trạng về tình hình quản lý lao động Việt Nam tại Angola, chúng tôi đã làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một lãnh đạo tại đây cho biết: Cho đến nay Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Mặc dù là quốc gia có thu nhập đầu người khá cao do khai thác tài nguyên, khoáng sản nhưng trật tự xã hội tại đây rất đáng lo ngại. Hệ thống luật pháp lỏng lẻo, nạn cướp bóc, giết người khá phổ biến. Bên cạnh đó, điều kiện sống tự nhiên rất nguy hiểm do dịch bệnh (sốt rét, sốt vàng da, ruồi vàng) và nguồn nước bị ô nhiễm. Không ít người Việt đã thiệt mạng do bị cướp bóc và bệnh tật. Rất nhiều lao động người Việt đã bị lừa chi phí một khoản tiền lớn để sang Angola đang lâm vào cảnh làm thuê để trả nợ và đại bộ phận lao động sang Angola trong một vài năm gần đây là lao động bất hợp pháp. Họ thường xuyên phải sống trong cảnh không giấy tờ tùy thân, thường xuyên bị cảnh sát và cơ quan chức năng Angola truy quét.

Ngay cả cơ quan chức năng Angola cũng cho biết có rất nhiều lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhưng đại bộ phận là sang theo con đường không chính thống và họ cũng không thể nắm chính xác được con số cụ thể. Cũng theo vị lãnh đạo của cục này, hiện tại Angola có một số chủ thầu xây dựng nhỏ người Việt và những người làm “đầu nậu” lao động. Họ đã mua lại quota nhận lao động nước ngoài của các công ty Trung Quốc và làm thủ tục đưa lao động Việt Nam vào làm việc tại Angola. Những lao động Việt Nam đi theo kênh tự do là đi theo những quota mua bán trôi nổi này.

Mặc dù Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép tổ chức, cá nhân đưa lao động sang Angola, nhưng theo Luật lao động, người lao động có quyền ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ thông tin và quy trình làm việc theo quy định pháp luật, đó là: Có hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với người sử dụng lao động phù hợp với quy định 2 nước; trong hợp đồng phải có đầy đủ các điều khoản về ngành nghề, thời hạn hợp đồng, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, tiền làm thêm giờ, chế độ khám chữa bệnh, chế độ BHXH, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động… Ngoài ra, cần có đủ năng lực ngoại ngữ để hiểu thông tin, pháp luật nước sở tại và giao dịch trực tiếp với chủ sử dụng lao động. Khi đến Angola phải đăng ký công dân với Đại sứ quán Việt Nam để được bảo vệ. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo người lao động có nhu cầu làm việc tại Angola về những rủi ro của thị trường trước khi quyết định sang Angola làm việc, cảnh giác trước những lời quảng cáo, hứa hẹn của các tổ chức, cá nhân môi giới việc làm tránh để bị rơi vào tình trạng lừa đảo, lợi dụng.