103 câu chuyện đằng sau những bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là người có cơ hội tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 35 năm, kể từ năm 1976, nhà báo-nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn (nguyên phóng viên ảnh TTXVN) đã sở hữu số lượng lớn các bức ảnh về "người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của ông, với tấm lòng kính trọng vị tướng huyền thoại, nhà nhiếp ảnh Trần Tuấn đã ra mắt cuốn sách "103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp"

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn từng có thời gian đội mũ tai bèo, mặc áo lính với chiếc máy ảnh trong tay có mặt ở nhiều nơi và cả nơi chiến trường. Khi đó, ông chưa có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hòa bình trở lại, ông vẫn cầm máy ảnh, làm việc cho TTXVN ở một bộ dạng khác, không còn bộ quân phục trên mình.

Đây cũng là khoảng thời gian ông được tiếp xúc nhiều hơn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà nhiếp ảnh này chia sẻ: "Tôi bị ông hút hồn từ lúc nào không biết. Thế là tôi say mê chụp ảnh ông, từ lúc ông còn làm việc đến lúc ông vẫn làm việc trong trạng thái nghỉ ngơi”.

Đĩa bánh trôi nước mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội

Đĩa bánh trôi nước mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội

Nhiều bức ảnh chụp Đại tướng với người dân trong nước và khách quốc tế, ban đầu tưởng như chỉ đơn thuần là bức ảnh kỷ niệm. Nhưng khi nhìn lại, Trần Tuấn nhận thấy có cái gì đó nằm ngoài những bức ảnh. Dường như có cả niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự mãn nguyện trên gương mặt những người trong ảnh.

“Và tôi chợt nhận ra rằng đó là lòng ngưỡng mộ, đó là tình yêu, đó là sự tôn thờ mà họ dành cho một vị tướng huyền thoại - một con người đại diện cho một dân tộc anh hùng, giàu lòng vị tha nhân ái đến vô cùng” - Nhà báo Trần Tuấn viết trong cuốn sách.

Đằng sau 103 bức ảnh là những câu chuyện, những kỷ niệm mà nhà nhiếp ảnh Trần Tuấn có may mắn được chứng kiến và ghi lại về tình cảm của nhân dân cả nước với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như lòng ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế với vị tướng huyền thoại của dân tộc.

Đó là kỷ niệm một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm đền Hai Bà Trưng, ở Hát Môn, huyện Phúc Thọ, một huyện ngoại thành của Hà Nội năm 1995. Được tin, nhân dân từ già đến trẻ đều đổ ra đường chào đón vị tướng già đã nhiều năm cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc.

Để tỏ lòng biết ơn vô hạn, một lão nông trong bộ trang phục lễ hội kính tặng Đại tướng theo truyền thống một đĩa bánh trôi, tượng trưng cho tấm lòng thành kính của dân làng với Đại tướng, người có công với dân, với nước. Với chiếc máy trong tay, Trần Tuấn đã không bỏ qua bức ảnh này.

Hay trong chuyến thăm đồng bào, chiến sĩ Bắc Sơn, Lạng Sơn, căn cứ địa cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ ngày 19/4/1994, Đại tướng đã cùng các chiến sĩ nghiên cứu bản đồ tác chiến trong khoang máy bay. Hình ảnh này được nhà báo Trần Tuấn ghi lại và ông nhớ nhất, bằng cử chỉ thân mật và giọng nói ấm áp, Đại tướng đã chỉ từng cụ thể từng căn cứ quân sự thời chống Pháp tại vùng rừng núi Bắc Sơn cho các anh lính trẻ cùng nghe.

Một bức ảnh trong cuốn sách

Một bức ảnh trong cuốn sách

Hình ảnh đó khiến nhà báo Trần Tuấn nhớ lại những nhận xét của nhà sử học người Pháp chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đương đại. Đó là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, cuối cùng đã giành thắng lợi vẻ vang. Ấy vậy, ông chưa qua một trường lớp quân sự nào. Ông là người duy nhất trong lịch sử thế giới, bước thẳng lên hàm Đại tướng từ một người công dân bình thường, một thầy giáo dạy Sử được giao làm công tác quân sự".

103 bức ảnh với những câu chuyện được kể đằng sau như những thước phim quay chậm, giúp bạn đọc có thể cảm nhận nhiều góc nhìn khác nhau về vị tướng huyền thoại nhưng cũng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường.

Cuốn sách khép lại với những bức ảnh chụp trong nước mắt về lễ tang của Đại tướng, tại căn nhà 30 Hoàng Diệu cũng như tại nơi an nghỉ cuối cùng ở Vũng Chùa - Đảo Yến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những bức ảnh ấy đã nói lên tình cảm của người dân cả nước đối với vị anh hùng của dân tộc, một vị tướng kiệt xuất của nhân loại.