1001 lý do khiến “người trẻ” quyên sinh, hận đời

ANTĐ - Trong khi có những người già “càng sống càng yêu đời” thì bạn trẻ lại sẵn sàng ra đi giữa lúc tuổi đời đang căng tràn sức sống. Áp lực học tập, lo toan cuộc sống, cãi nhau vì tình… có tới cả ngàn lẻ lý do khiến “người trẻ” quyên sinh, hận đời…

ĐI VỀ NƠI XA LẮM

Mới đây, em Nguyễn Thị Yến (15 tuổi) ở xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam tự vẫn vì bị bố mẹ mắng do kết quả thi lớp 10 thấp. Thi thể em đã được tìm thấy ở suối Sã Lào 3 ngày sau khi em bỏ nhà ra đi.

Cứ vào mỗi đợt thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, hàng năm, ở đây đó lại xảy ra các vụ tự sát của giới trẻ. Vào tháng 7/2010, em Trịnh Công Sỹ - HS giỏi của trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã tìm đến cái chết vì làm bài thi đại học không tốt. Em ra đi để lại nỗi đau khôn cùng cho mẹ và người bà tóc đã bạc, bạn bè, thầy cô giáo của Sỹ cũng sững sờ…

Trương Thúy A., ngụ tại Phan Thiết (Bình Thuận) từng thi trượt đại học. Lần đó A đã đăng ký thi vào trường Đại học Bách Khoa TPHCM nhưng dự tính chỉ được khoảng 18 điềm. Lo lắng không đủ điểm đậu đại học, A. trở nên bi quan, ít nói và mặc cảm với bạn bè. Trong 1 tuần, A. đã đi tất cả các tiệm thuốc mua được hơn 20 viên thuốc ngủ các loại về uống hết một lượt. Khi A có các biểu hiện vật vã, mê man, gia đình vội đưa A đi cấp cứu.

 

Ngôi trường nơi học sinh Dương theo học trước khi tự vẫn.

Ở xã Bàu Hàm Hai, huyện Thống Nhất, Đồng Nai em L.H.P cũng đã uống thuốc sâu tự tử sau khi nhận được tin trượt tốt nghiệp. Không đủ bình tĩnh để đợi kết quả phúc khảo, P thấy thế giới như sụp đổ. Và em đã chọn cách đi riêng của mình là tìm đến thế giới vĩnh hằng.

N.T.H. trường THPT Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vì “trục trặc” trong quá trình nộp hồ sơ tuyển sinh vào ĐH mà buồn tới mức không thiết sống. Em uống thuốc trử cỏ để quyên sinh.

Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa …

Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi – Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương thừa nhận, hiện tượng bạn trẻ muốn chết đã không còn là điều gì đó kỳ lạ. Thậm chí, số ca bạn trẻ tự vẫn còn có xu hướng tăng lên. Dư luận cũng đã quen nghe tin đây đó có một ai đó… tự kết liễu khi vẫn đang ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đã lập ra một hòm thư tư vấn tâm lý. Trung bình 1 tuần, các bác sỹ nhận được khoảng 10 lá thư có nội dung “muốn chết” gửi tới. Rất nhiều trong số đó là thư của các “người trẻ”, thậm chí là rất trẻ.

1001 lý do khiến “người trẻ” quyên sinh, hận đời ảnh 2

Ông Nháo đầu bạc thắp nén hương cho con trai đã sớm đi xa 

SỐNG MÀ NHƯ… CHẾT

“Con chán sống vô cùng. Con chẳng hiều mình tồn tại trong cuộc đời để làm gì. Con thấy mọi thứ đều nhàm chán, vô vị. Hàng ngày, chỉ quanh đi quẩn lại mấy trò ăn học, hết đến trường lại về nhà. Tóm lại, con thấy mình còn hàng chục năm ở phía trước, nếu ngày nào cũng giống ngày nào, cứ bất tận thế này chắc con chết mất” (Nam 16).

“Ui giời ơi, có bạn nào giúp tui tìm kế giết thời gian không. Tui đang vô công rỗi việc đây. Một ngày sao dài lê thê thế - những 24 tiếng. Tôi thích một ngày chỉ 10 tiếng thôi. Thế là đủ. Mình ngủ luôn 8 tiếng. Còn 2 tiếng thì ăn, chơi… là hết giờ. Chứ như bi giờ, tui đi ra đi vào, cảm giác như cái kim đồng hồ nó không chịu nhúc nhích. Buồn ơi là buồn. Ăn đã có ôsin lo. Học đã có gia sư tới nhà cầm tay chỉ việc. Nhà thì giàu, tui chẳng cần làm cần học cũng đủ tiền sống cả đời. Vậy thì tui cần cố gắng làm gì nữa”. (Girl 17)

Đó là hai tâm sự của các bạn trẻ viết trên diễn đàn, blog. Thạc sỹ tâm lý giáo dục học Vũ Kim Thanh – cố vấn đường dây hỗ trợ trẻ em (miến phí) 19001567 thừa nhận trong quá trình làm việc, bà nhận được khá nhiều điện thoại của các bạn trẻ gọi tới. Thay vì hỏi các chuyên gia xem làm thế nào để có ích không, nhiều bạn lại hỏi cách làm gì để “giết thời gian”. Bạn thì hỏi sống để làm gì? Bạn tâm sự đã “mỏi gối chùn chân”, ăn chơi trác táng để… tận hưởng cuộc đời nhưng càng chơi lại càng thấy cơ thể rệu rã, mệt mỏi. Khi chơi thì thấy quên sự nhàm chán rất nhanh nhưng khi tỉnh lại lại thấy mình vẫn… thiếu cái gì đó khó tả.

Một cuộc hội thảo mới đây do Bộ GD-ĐT tổ chức về phòng chống bạo lực, tội phạm trong HS cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm học đường gia tăng là do các em… nhàn cư vi bất thiện. Thay vì học tập, lao động, giải trí lành mạnh, nhiều em không biết “trút năng lượng vào đâu”. Lang thang nhiều cũng chán, la cà quán xá rạc người và cuối cùng thì ẩu đả, đánh đấm. Một chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam rất ngạc nhiên vì đường phố, quán xá lúc nào cũng đông nghịt người. HS, thanh niên vẫn thoải mái cà phê suốt buổi giết thời gian… Trong khi đó, theo con mắt của người lớn và những người “quý thời gian” thì tuổi trẻ là lúc cần làm nhiều nhất, cố gắng nhiều nhất nếu muốn sau này có thành công. Chứ trẻ chơi dài mà đợi đến già mới nỗ lực thì đâu còn kịp.

Chỉ cần lướt qua blog của nhiều bạn trẻ, sẽ thấy không ít tâm sự buồn của các bạn vì thấy cuộc đời này sao mà vô nghĩa, tẻ nhạt thế. Không phải là chút xao lòng bâng khuâng chốc lát mà đó đã trở thành “thế giới quan”, “quan điểm sống” thực sự của các bạn. Nhiều bạn cứ lang thang đi tìm câu hỏi: tôi chẳng hiểu mình đang sống để làm gì. Tôi sống vì ai. Tôi cần làm gì, muốn gì nữa… Ôi cuộc đời của tôi, nhạt nhẽo và đơn điệu.

CẢNH BÁO SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Vụ trưởng vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em - Ủy ban dân số - gia đình và trẻ em, trong một dự án theo dõi trên 2.000 trẻ em tại năm tỉnh, thành phố đã phát hiện vấn đề về sức khỏe tinh thần của học sinh sinh viên đang có xu hướng tăng. Nhiều trẻ tham gia dự án có dấu hiệu rối nhiễu tâm trí. Nhiều em trở nên khó bảo, có em sống lặng lẽ, người bơ phờ…

Nam sinh Phùng Bảo Tr đang được cấp cứu tại bệnh viện sau khi nhảy từ lầu 3 xuống sân Trường THCS Quang Trung, Q. Tân Bình 

Một kết quả nghiên cứu khác về Sức khỏe tâm thần với 6.189 học sinh ở các trường trung học, đại học ở Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, Cần Thơ do GS Michael Dunne, Đại học Công nghệ Queensland (Australia) mới đây cho thấy cứ 7 thanh niên Việt Nam có 1 người trầm cảm. Trong đó, cứ 6 hoặc 7 người trẻ tuổi được phỏng vấn thì 1 người cho rằng họ cảm thấy buồn, thất vọng, không có giá trị so với người khác. Họ khóc, ngủ không yên và ăn không ngon,… Ở độ tuổi 13-24, tỷ lệ người mắc trầm cảm ở TP. Hồ Chí Minh cao nhất, tiếp đó là Hà Nội và Cần Thơ.

Bác sỹ Hồi cho biết, người ta phân ra khá nhiều cái chết khác nhau như chết bệnh, chết anh hùng, tử vì đạo… và thực tế nhiều bạn trẻ khi tìm đến cái chết… đã cho rằng mình chết vì… nghĩa. Trước cái chết, người bình thường có thể cảm thấy sợ nhưng với “người trong cuộc” lại thấy đó là hành động bình thường. Xét về góc độ y học, tự tử có gốc từ sức khỏe tâm thần, trong đó có bênh trầm cảm. Bạn trẻ bị trầm cảm có quá trình tích tụ lâu ngày, khi gặp thêm yếu tố bên ngoài đã cộng hưởng thành hành vi tự sát.

Khi sự việc xảy ra, mọi người thường lấy các biến cố xảy ra gần nhất để giải thích cho hành động dại dột của nạn nhân. Chẳng hạn một cậu bé vừa bị mẹ mắng, mọi người sẽ cho rằng lỗi là do người mẹ. HS bị cô giáo mắng đi tự sát, người ngoài và gia đình HS đó sẽ đổ lỗi là do cô giáo “ép học sinh”. Thực ra, đó chỉ là nguyên nhân bề ngoài. Trong nhiều trường hợp, bạn trẻ đã ấp ủ ý định muốn chết từ lâu. Bạn đã trải qua nhiều ngày chán sống, thấy cuộc đời vô nghĩa… Cộng hưởng những suy nghĩ, cách nhìn bi quan đó lại, giống như một quả bóng bị thổi căng hơi, chỉ cần có ai đó chạm nhẹ là vỡ òa.

Các chuyên gia cho rằng, trong xã hội hiện đại, con người đang phải chịu nhiều áp lực. Nhất là giới trẻ đang sống trong xã hội mở, cái mới và cái cũ đan xen, sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thong đại chúng, internet phát triển vượt bậc, chỉ cần một cú click chuột là cả biển thông tin hiện ra khiến nhiều bạn hoang mang không biết đâu là giá trị đúng.

Cùng với đó, thì kỳ vọng của người lớn đặt lên vai các em càng nhiều hơn. Chẳng hạn nếu như trước đây, cha mẹ chỉ muốn con đủ điểm lên lớp thì nay, các em được “giao mục tiêu” phải học giỏi, thi đỗ lớp chuyên, vào ĐH, có điểm đi du học nước ngoài. Nhiều em do cuộc sống được trải thảm đỏ, mọi thứ đều thuận lợi, được bao cấp nên cũng không có ý chí vươn lên. Em chỉ hưởng thụ và hưởng thụ nên cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, vô vị, không có gì đáng giá.

Và vì thiếu sự va chạm nên khi gặp khó khăn, thử thách, dù là rất nhỏ thì các em cũng cảm thấy đó là điều gì đó kinh khủng, là thế giới sụp đổ. Cuối cùng, các em tự gây áp lực cho chính mình, các em có hành vi lệch chuẩn để phá quấy, để tạo sự khác biệt, tạo “hương vị” cuộc sống mới. Có em thì tìm đến cái chết để giải thoát.