100% nghệ sỹ không tán thành việc thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia

ANTĐ - Sau rất nhiều đơn thư, ý kiến phản ánh về lộ trình sáp nhập gấp gáp Nhà hát Kịch Việt Nam - Nhà hát Tuổi trẻ để thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia, ngày 8-5, Bộ VH-TT&DL đã có cuộc họp với các nghệ sỹ 2 nhà hát nhằm làm rõ hơn vấn đề nên hay không.

Không sai, nhưng không ai đồng tình 

Các nghệ sỹ muốn giữ thương hiệu của nhà hát thay vì hòa chung làm một trong cùng Nhà hát Kịch Quốc gia

Cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng Ban giám đốc 2 nhà hát ngày hôm qua đã diễn ra căng thẳng và kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Hầu hết các nghệ sỹ thuộc 2 nhà hát trên đều cho biết bất ngờ, khi bỗng dưng lãnh đạo Bộ VH-TT&DL xuống nhà hát đọc quyết định sáp nhập trong khi lộ trình chuẩn bị cho việc trên lại không hề có. Tới thời điểm này, Nhà hát Kịch Quốc gia đã thành lập được 1 tháng nhưng mãi đến hôm qua 8-5, nhiều nghệ sỹ thuộc biên chế của 2 nhà hát mới được đọc bản đề án xây dựng Nhà hát Kịch Quốc gia. NSƯT Anh Tú cho biết: “Lộ trình để tiến tới việc sáp nhập 2 nhà hát đã diễn ra thiếu dân chủ trầm trọng”. Bản thân nghệ sỹ là đảng viên, sinh hoạt trong chi bộ của Nhà hát Tuổi trẻ nhưng chưa một lần được cầm tờ đề án và mà chỉ nghe phong thanh đạo diễn Lê Hùng-Giám đốc đồng thời của 2 nhà hát nhắc tới việc sáp nhập. Đồng thuận với ý kiến của đạo diễn Anh Tú, nhiều nghệ sỹ cũng phát biểu họ chưa một lần được trưng cầu ý kiến về đề án có ý tưởng tốt đẹp này. 

Vậy tại sao đề án lại được trình lên cấp trên và nghiễm nhiên được cho rằng đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ 2 nhà hát? Chính các nghệ sỹ trong cuộc họp cho biết, đề án đã được thông qua không giống với bất cứ cách làm nào. Đó là nói miệng với nhau trong một cuộc họp với nội dung chính không liên quan đến sáp nhập mà không có biên bản. Các nghệ sỹ thì cứ ngỡ rằng, trước khi sáp nhập, Bộ VH-TT&DL sẽ xuống tận nơi để thăm dò ý kiến. Vì thế, mới có chuyện, cấp trên tưởng cơ sở đã thông qua, còn cơ sở lại cứ tưởng Bộ sẽ xuống lắng nghe nguyện vọng của anh em nghệ sỹ. 

Cân nhắc lợi ích

100% các ý kiến phát biểu tại cuộc họp không đồng thuận việc sáp nhập và đề nghị để 2 nhà hát hoạt động độc lập như hiện nay. Thay vì việc sáp nhập, Bộ VH-TT&DL nên tập trung đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực. Thậm chí, có ý kiến còn gay gắt chỉ trích NSND Lê Hùng đã chủ quan khi trình Bộ đề án này mà bỏ qua ý kiến của tập thể. Trong suốt cuộc họp, NSND Lê Hùng đã lặng thinh và chỉ đến khi được lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đề nghị phát biểu, ông mới hé lộ lợi ích lâu dài của việc sáp nhập 2 nhà hát mà các nghệ sỹ chưa... nhìn thấy. 

NSND Lê Hùng cho biết: “Việc sáp nhập 2 nhà hát thực chất là để cứu nguy cho các nghệ sỹ. Bởi Nhà hát Tuổi trẻ trước sau cũng phải tiến hành xã hội hóa. Vậy thì, khi rời khỏi “bầu sữa mẹ”-sự chu cấp của Nhà nước trong hoạt động nghệ thuật, các nghệ sỹ sẽ sống ra sao? Nhà hát Kịch Quốc gia được thành lập là để lo cho tương lai của các nghệ sỹ trẻ, được Nhà nước cấp thêm kinh phí, xây dựng thêm cơ sở vật chất để các nghệ sỹ tập luyện và có địa điểm biểu diễn. Nhà hát Kịch Quốc gia ra đời vẫn duy trì hoạt động độc lập của 2 nhà hát chứ không hề làm mất đi bản sắc, đặc trưng riêng”. Một điểm nữa cần nói đến, trước khi cuộc họp chiều 8-5 diễn ra, chi bộ 2 nhà hát đã tiến hành họp và đồng thuận đưa ra ý kiến: không nên sáp nhập 2 nhà hát vào thời điểm này. 

Ghi nhận ý kiến phát biểu của các nghệ sỹ và ban lãnh đạo 2 Nhà hát Kịch Quốc gia, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn đã có kết luận về cuộc họp. Đó là việc sáp nhập hay nên giải thể Nhà hát Kịch Quốc gia vừa mới thành lập sẽ được lãnh đạo Bộ VH-TT&DL bàn bạc và xem xét kỹ lưỡng. Trong thời gian này, đề án thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia sẽ tạm dừng việc tiến hành cơ cấu cán bộ, bộ máy hoạt động. Bộ có thể sẽ thành lập tổ công tác có trách nhiệm xây dựng đề án toàn diện, công khai, minh bạch, đúng lịch trình và sẽ lấy ý kiến đóng góp của các nghệ sỹ 2 nhà hát.