100% mẫu máu xét nghiệm ở Đà Nẵng nhiễm dioxin: Đừng quá lo lắng và nên chủ động phòng ngừa

ANTĐ - Thời gian gần đây, thông tin 100% mẫu máu của 62 người dân tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê (Đà Nẵng) được chọn ngẫu nhiên trong dự án khảo sát và giải quyết ô nhiễm môi trường (DDAMP) được đưa đi xét nghiệm đều dương tính với chất độc dioxin khiến không chỉ người dân ở địa phương này mà cả vùng lân cận hoang mang. 

Tư vấn dự phòng lây nhiễm dioxin cho người dân ở Đà Nẵng

Đáng chú ý, toàn bộ số người tham gia khảo sát đều không tham gia chiến tranh và không ở vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc dioxin. Đây là số người đã từng sinh sống nhiều năm tại khu vực xung quanh sân bay quân sự Đà Nẵng. Được biết, Dự án DDAMP do Quỹ Ford tài trợ, được các thành viên Công ty Tư vấn Hatfield, Văn phòng 33 của Chính phủ và Bộ Y tế thực hiện lấy mẫu máu của 62 người dân ngẫu nhiên tại khu vực này từ năm 2006 nhưng đến nay mới chính thức công bố kết quả.

Nói về vấn đề này, ThS. Trần Thị Tuyết Hạnh, cán bộ Chương trình giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm - Hội Y tế Công cộng Việt Nam cho biết, khoảng 90-95% dioxin từ môi trường vào trong cơ thể con người là do ăn uống thực phẩm nhiễm dioxin. Tuy vậy, những người dân sống ở các vùng không phải là “điểm nóng” dioxin cũng vẫn có một hàm lượng nhất định dioxin trong máu, do dioxin được thải vào môi trường từ các nguồn công nghiệp, đốt rác ở nhiệt độ thấp, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ... Với những người dân sống tại khu vực “điểm nóng” hàng chục năm nay, nguy cơ nhiễm dioxin trong cơ thể với liều lượng có thể khác nhau, tùy theo các hành vi nguy cơ, ví dụ hành vi tiêu thụ thực phẩm nguy cơ cao nuôi trồng trên đất, trong ao hồ ô nhiễm dioxin. 

Trong thông cáo ngày 29-8, Hội Y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, không phải tất cả mọi người nhiễm dioxin thì đều bị ung thư, sinh con dị tật hay các biểu hiện lâm sàng khác. Bị ung thư hoặc các bệnh khác phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó phơi nhiễm với dioxin ở mức cao là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ bị ung thư.

Dù khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng trước kết quả khảo sát nói trên, song Hội Y tế công cộng Việt Nam cũng đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phối hợp để tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về nguy cơ, thực hành các biện pháp dự phòng phơi nhiễm với dioxin. Hiện nay, nỗ lực tẩy độc xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định) đang được tiến hành. Tuy nhiên, các nỗ lực tẩy độc hiện chỉ tập trung xử lý đất, bùn ô nhiễm dioxin ở bên trong sân bay, trong khi kết quả của một số nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ dioxin ở trong đất, bùn ở khu vực xung quanh bên ngoài sân bay hiện vẫn vượt tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới dành cho đất nông nghiệp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Vì vậy, người dân sống tại các khu vực “điểm nóng” gần sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và các “điểm nóng” khác vẫn cần được tuyên truyền đầy đủ về nguy cơ phơi nhiễm dioxin trong môi trường và thực phẩm để có thể chủ động phòng tránh  phơi nhiễm dioxin cho bản thân và gia đình. 

ThS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho biết, từ năm 2009 Hội Y tế công cộng Việt Nam đã phối hợp với các Tỉnh hội Y tế công cộng, các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng và Biên Hòa để thực hiện tuyên truyền tới từng hộ gia đình ở 6 phường xung quanh hai điểm nóng dioxin là Sân bay Đà Nẵng và Sân bay Biên Hòa các biện pháp dự phòng phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm. Qua đó, người dân nắm được các biện pháp quan trọng như giảm thiểu tiêu thụ các thực phẩm nguy cơ cao không rõ nguồn gốc (cá, tôm, cua, ốc nước ngọt đánh bắt tại các hồ ô nhiễm dioxin, gia súc, gia cầm chăn thả theo hình thức truyền thống, bí ngô, ngó sen trồng ở khu vực trong và xung quanh sân bay …).