10 xu hướng chi phối Đông Nam Á

ANTĐ - Cùng với thế giới, Đông Nam Á vừa bước sang năm mới 2014 và sẽ rất hữu ích khi cùng đánh giá để từ đó đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển tiếp theo tại khu vực này trong năm 2014 dựa trên những sự việc đã xảy ra vào năm 2013. Tác giả Prashanth Parameswaran trong bài viết trên trang mạng Thediplomat.com đã nêu lên 10 xu hướng có thể chi phối tình hình khu vực Đông Nam Á trong năm 2014.

Trung Quốc được cho sẽ tiếp tục là nhân tố tác động tới tình hình Đông Nam Á 
qua việc phô trương sức mạnh đang trỗi dậy

Xu hướng đáng chú ý nhất, theo tác giả Parameswaran, cuộc chơi “cạnh tranh quyền lực” ở khu vực Đông Nam Á của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, sẽ tác động lớn tới tình hình khu vực. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy chuyến thăm Đông Nam Á cuối năm 2013 vào giờ chót đã làm dấy lên những hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực trong khi Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh ảnh hưởng. 

Vì thế, câu hỏi về chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, đang chờ đợi được giải đáp rõ ràng hơn giữa lúc những lo ngại về chiến lược khu vực mới của Trung Quốc công bố vào cuối năm 2013, trong đó bao gồm cả tương lai của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á đang chờ đợi được sáng tỏ hơn.

Vấn đề về Biển Đông luôn là một trong những chủ đề nóng của khu vực năm 2013 cũng như vài năm gần đây. Triển vọng giải quyết tranh cãi vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế vẫn còn khá mờ mịt khi Trung Quốc chưa thật quyết tâm kết thúc sớm tiến trình xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử các tranh chấp trên biển với các nước ASEAN (COC) trong khi lại gia tăng thể hiện sức mạnh với vùng biển chiến lược mà họ triển khai hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên ở Biển Đông vào cuối năm 2013 hay “trừng phạt” Philippines vì “dám” đưa vấn đề Biển Đông lên LHQ... khi đơn phương tuyên bố thiết lập cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể mở rộng ADIZ tại khu vực Biển Đông trong năm 2014.

Sau khi kinh tế Đông Nam Á kết thúc năm 2013 với kết quả khá tiêu cực, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2014 sẽ giảm nhẹ xuống còn 5,2% do ảnh hưởng của cơn bão Haiyan đối với nền kinh tế Philippines, bất ổn chính trị ở Thái Lan cùng tốc độ phục hồi ở châu Âu, thu hẹp chương trình kích thích kinh tế của Mỹ (QE-3) và những thách thức tiềm ẩn khác ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, càng tiến gần hơn đến thời điểm năm 2015, các nhà quan sát ngày càng lo lắng về việc liệu ASEAN có thể đạt được mục tiêu của hội nhập kinh tế thể hiện qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC) vào cuối năm 2015.

Ngoài 4 xu hướng chính trên, diễn biến chính trị tại Thái Lan và Campuchia, cải cách tại Myanmar, bầu cử tại Indonesia và thắt chặt đối tác giữa ASEAN với Australia cùng vấn đề nhân quyền sẽ là những vấn đề chi phối tình hình Đông Nam Á trong năm 2014 này.