10 năm trốn truy nã, 10 năm tù và cuộc đời còn lại

ANTĐ - Ông chủ của hơn 300 ha rừng với nụ cười hiền, dễ mến Trịnh Văn Yên đang ngày ngày trả nợ rừng xanh theo cách của riêng mình. Yên bảo, nếu không có những gã buôn gỗ lậu một thời “yêng hùng” như anh thì nhiều khu rừng ngày nay đã không trọc lốc, mất đi màu xanh của đại ngàn.

Trịnh Văn Yên và gia đình

Oai hùng một thưở

Trịnh Văn Yên ở khu II, thị trấn Kỳ Sơn, H. Kỳ Sơn, Hòa Bình tiếp chúng tôi trong ngôi nhà bình yên của mình ở một vùng đại ngàn xanh ngút ngát. Nụ cười hiền hiền luôn nở trên môi, những ký ức xa xưa của anh về một thời lầm lỡ đã được giấu kín trong một ngăn của tâm hồn. Lúc này, anh tâm sự với tôi, cũng là cách để anh nhắc nhở cho nhiều người trẻ khác đừng bao giờ làm điều dại dột.

Yên sinh năm 1964 trong gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em. Thuở nhỏ, Yên là cậu bé học giỏi, khôn ngoan và lanh lợi nhất nhà. Bố mẹ Yên hy vọng lớn lên Yên sẽ nên người làm rạng danh gia đình. Nhưng sự kỳ vọng đã không thành hiện thực. Khi mới 19 tuổi Yên đã gia nhập đội quân buôn gỗ lậu. Vốn lanh lợi nên chỉ vài năm theo đàn anh phụ việc, Yên đã tự mình đứng ra thành lập đường dây gỗ lậu xuyên các tỉnh Tây Bắc. Với đầu óc thông minh và luôn kè kè khẩu K54, Yên nhanh chóng trở thành ông trùm trong đường dây buôn lậu gỗ. Xuyên suốt những cánh rừng từ Hoà Bình lên Sơn La, rồi từ Sơn La về xuôi, mỗi chuyến gỗ lậu trót lọt Yên đút túi hàng trăm triệu đồng. Ở tuổi đó, phần đông những người dân quê gã vẫn phải ăn ngô, ăn sắn thì gã đã sở hữu cả bao tải tiền là một điều cực kỳ hy hữu. Những chuyến hàng đinh, lim, sến, táu của "ông trùm" Trịnh Văn Yên đã in dấu trên khắp cung đường buôn lậu gỗ miền Tây Bắc. Yên nhớ lại: “Ngày ấy, làm ăn dễ mà thu lời lớn lắm. Bỏ vốn một thì có thể thu về gấp 10 lần thậm chí lúc khan hiếm hàng có thể lãi từ 20 - 30 lần. Đi 3 chuyến dù có bị bắt 1 chuyến vẫn còn có lãi”.

Tiền kiếm được quá dễ dàng khiến Yên  sa chân vào thế giới đỏ đen, cờ bạc. Đó cũng là cách duy nhất để gã tiêu bớt tiền. Với gã lúc đó, cờ bạc chỉ có ý nghĩa như một trò tiêu khiển chứ chuyện thắng thua chẳng có ý nghĩa gì. 

Nhưng rồi cũng có ngày ông trùm buôn gỗ sa cơ. Đó là vào năm 1988, qua một số đầu mối trung gian Yên ký hợp đồng cung cấp gỗ cho ông Giám đốc nông trường chè. Có hợp đồng, nhưng khi mang hàng đến thì gỗ của Yên không đảm bảo chất lượng. Ông Giám đốc trả lại hàng. Các mối trung gian cũng bị vỡ theo. Nhiều tay trung gian không được hưởng hoa hồng. Thế là họ rủ Yên đến "xử" ông Giám đốc nọ. Yên là người bị kéo đi để chứng kiến sự việc. Cả đám người rút dao, súng gí vào cổ ông Giám đốc và khống chế, cướp tiền của. Công an vào cuộc, vụ án bị đưa ra ánh sáng, nhiều đối tượng bị bắt. Yên trở thành đồng phạm trong vụ này và thế là bắt đầu một cuộc trốn chạy 10 năm, bắt đầu những tháng ngày giông tố. 

Nơm nớp những ngày trốn án

Sợ tội, Yên đã bỏ trốn. Lệnh truy nã toàn quốc được ban ra. Yên trốn chui lủi khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều đêm không ngủ, đã có lúc Yên nghĩ phải đi thật xa. Chỉ có đi thật xa đến một nơi không ai biết mới có thể thoát lệnh truy nã. Hai lần từ Quảng Ninh Yên tổ chức vượt biên sang Hồng Kông đều không thành, Yên tìm cách trốn sang Trung Quốc. Nhưng sống ở nước bạn, Yên không nhập được quốc tịch. Năm 1993, Yên  phải trở về Việt Nam và định cư tại Tuyên Quang. Biết không thể thoát nhưng Yên vẫn không chấp nhận ra đầu thú. Bằng việc thay tên đổi họ năm 1994, Yên lập gia đình và bắt đầu buôn bán hoa quả công khai.

Công việc kinh doanh thuận lợi, gia đình yên ấm, Yên giấu chuyện trốn nã không cho bất kỳ ai biết. Nhưng trong đầu Yên lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo sợ bị phát hiện. Yên thay tên đổi họ và sống ở đó cho đến năm 1998. Năm đó, khi đã yên tâm rằng công an đã quên hẳn cái tên Trịnh Văn Yên và trở lại Hoà Bình. Trong một lần chuẩn bị mang phân bón lên Sơn La để đổi hàng Yên đã bị công an Hoà Bình tóm gọn ngay tại chợ trong sự ngơ ngác của mọi người. 10 năm trốn chạy kết thúc, trong 10 năm đó dù Yên không gây thêm tội danh nào nhưng anh vẫn phải trả giá bằng 10 năm tù giam.

Kể đến đây, giọng người đàn ông như chùng xuống, nghẹn lại, ánh mắt anh nhìn xa xăm: “Ngày đấy, mới hơn 20 tuổi, tôi đâu đã nhận thức được hành vi của mình, cứ nghĩ mình sẽ phải xử rất nặng. Thế là bắt đầu trốn án. Càng trốn án càng thêm nặng”.

10 năm tù là cái án quá nặng đối với gã. Nhưng cái kiếp lận đận của gã chưa dừng ở đó. Thụ án chưa lâu thì vợ gã làm đơn li dị. Gã đau đớn vì mất điểm tựa tinh thần nhưng gã đặt bút ký. Gã coi đó là động lực để quyết tâm cải tạo cho tốt, sớm được ra khỏi trại làm lại cuộc đời. Kết quả là gã đã được đặc xá trước ba năm, tháng 2-2005 gã ra tù.

Trả nợ rừng

Với những ước mơ xây dựng cuộc sống lương thiện, vừa bước chân về địa phương, bỏ ngoài tai những lời ì xèo của thiên hạ, Yên mạnh dạn xin thầu lại toàn bộ 1,3ha mặt nước của Hợp tác xã Đoàn Kết và gần 4ha mặt ao của một số hộ dân ở khu II Thị trấn Kỳ Sơn bỏ hoang để đầu tư nuôi cỏ, vịt. Yên còn thầu thêm 6ha đất rừng hoang để trồng keo. Yên vừa làm vừa rút kinh nghiệm và mở rộng sản xuất chăn nuôi. Một năm đầu thất bại, nhưng Yên không nản lòng, anh đã vay tiền ngân hàng để tiếp tục đầu tư, làm ăn. Với đầu óc thông minh, sự quyết tâm, anh đã có thành quả. Đến năm 2008, Yên đã có trong tay 200ha rừng keo 3 năm tuổi, hơn 1.000 con vịt đẻ và số lượng gà cũng tương đương. Đến năm 2010 Yên đã có trên 300ha rừng và là chiến sĩ thi đua của ngành nông nghiệp. Yên cho rằng, bảy năm trời sống ở trong tù đã cho anh thời gian bình tâm để nhìn nhận lại mình. Anh thấy những cái cây lúc mới vào rất nhỏ nhưng khi anh ra tù đã là những cây xanh tỏa bóng râm mát. Vậy thì tại sao lại đi phá rừng? Anh cho biết thêm: “Con người không có quyền tàn phá rừng, rừng là sự sống của chính mình”.

Giờ thu được tiền từ rừng là Yên đầu tư để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Anh là một trong những ông chủ của một trang trại lớn nhất nhì tỉnh Hòa Bình, có một căn nhà cạnh Quốc lộ 6, lấy được vợ và có hai đứa con một trai, một gái. Anh bảo cuộc đời mình có nhiều sóng gió, có lúc vấp ngã. Nhưng anh đã nhận ra được giá trị của cuộc sống, của rừng xanh. Anh sẽ trồng rừng cho đến chết để trả món nợ với rừng. Trang trại của Yên cũng tạo việc làm cho khoảng 100 người và là ông chủ hòa đồng, gần gũi với người làm công, được họ quý mến.