10 năm loay hoay “lệch giờ”

ANTĐ - Sau nhiều lần làm việc với các quận, huyện và sở, ngành để xây dựng phương án thay đổi giờ học, giờ làm việc, kinh doanh nhằm mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm tại TP.HCM, ngày 28-11, UBND thành phố đã trình Chính phủ bản đề xuất về vấn đề này.

Ảnh: SGGP

Khó tìm nguyên nhân

Thực tế, phương án “lệch giờ” đã được TP.HCM nghiên cứu từ năm 2001, 2003 đã được đề xuất nhưng HĐND thành phố chưa thông qua do nghi ngại sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Năm 2007, đề xuất này tiếp tục được sửa đổi và thành phố đồng ý cho thí điểm tại một số quận, huyện để trên cơ sở đó tổ chức hội thảo, lấy ý kiến hoàn thiện đề án. Từ những ý kiến chỉ đạo của thành phố, một số quận, huyện: 10, 5, 1, 3, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… tùy đặc điểm ở địa phương, từng tuyến đường, khu vực, từng cụm trường học… đã bố trí lệch giờ học của các trường tiểu học, trung học trên địa bàn; một số trường, hiệu trưởng có quyền sắp xếp giờ tan học các khối chệnh nhau 10-15 phút đảm bảo không gây ùn ứ, tắc nghẽn trước cổng trường; một số khu vực có nhiều KCN-KCX cũng nghiên cứu bố trí lệch ca để hạn chế mật độ xe...

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho rằng, việc bố trí lệch giờ học giữa các trường trên cùng tuyến đường và giữa các khối lớp trong cùng một trường tại Bình Thạnh nhiều năm qua giảm được ùn tắc tại cổng trường song không thể giảm được tắc đường ở các khu vực quanh các tuyến đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Trị, Phan Đăng Lưu, Xô Viết Nghệ Tĩnh… Trong khi đó, hiện thành phố có trên 90% cán bộ hành chính cấp quận, huyện và phường, xã sống tại địa bàn mình công tác, thời gian di chuyển từ nhà tới cơ quan chỉ 10-15 phút, TP.HCM cũng không nhiều cơ quan Trung ương nên có đổi giờ làm (7h30 và 16h30) cũng không giảm được ùn tắc giao thông.

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM khẳng định: Với các KCN Tân Thuận, Tân Tạo, Linh Trung... người lao động cũng thường tập trung gần chỗ làm, chủ yếu ở ngoại thành nên TP.HCM ngoài việc tăng cường xe buýt tham gia đưa đón công nhân, nhiều BQL cũng xem xét tùy tính chất ngành nghề, công việc sắp xếp giờ vào ra ca để hạn chế công nhân đi lại cùng một lúc trên đường và trước cổng KCN. Rồi học sinh tiểu học, THPT phải vào lớp từ 7h sáng, tan lớp 16h; THCS và tiểu học buổi chiều vào lớp 13h, tan lớp 16h30; mầm non học 7h30, tan trường lúc 16h… Vậy tại sao “nạn” đường tắc vẫn không giảm, tắc đường còn xảy trên diện rộng hơn, lan cả ra vùng ngoại ô, cửa ngõ thành phố…

Đi tìm “đũa thần”…

Theo ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TP.HCM hạ tầng của TP.HCM chỉ đáp ứng cho 1,5-2 triệu dân, nay dân cư đã lên đến 7 triệu người chưa kể 1,5 triệu người vãng lai, đã kéo theo một số lượng lớn người từ các tỉnh, thành phố hội cư khiến các tuyến đường thành phố vào các khung giờ 7-8h30, 11h30-13h và 16h30-19h quá dày đặc người dồn vào trung tâm đến, đi từ văn phòng giao dịch, công ty của các doanh nghiệp, trung tâm thương mại dịch vụ, sinh viên CĐ-ĐH với tất cả các phương tiện cá nhân có được…

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, cố vấn giao thông đô thị cho rằng: Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.600 tuyến đường với tổng diện tích mặt đường gần 26 triệu m2, nhưng số đường có bề rộng nhỏ hơn 7m chiếm đến 69,3%. Mật độ đường giao thông so với diện tích thành phố chỉ đạt khoảng 1,9km/km2, quỹ đất giao thông mới chỉ đạt khoảng 4,8%, quá thấp so với tiêu chuẩn đô thị   22-24%. Trong khi đó các loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng, nhất là xe buýt tuy đã được chú trọng phát triển song mới chỉ đáp ứng được 7,8% nhu cầu đi lại của người dân.

Như vậy, phương án đổi giờ quá nhiều sẽ khó thực hiện vì gây bất cập cho người dân và ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống KT-XH. Lâu dài, thành phố phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ như quyết tâm di dời các trường CĐ-ĐH với hàng chục nghìn sinh viên ra khỏi trung tâm thành phố. Khẩn trương xây mới các bệnh viện vùng ngoại ô nhằm kéo giảm lượng lớn người tại các quận nội thành. Đồng thời thực hiện các giải pháp quy hoạch phát triển các quốc lộ, đường hướng tâm, đường sắt đô thị, các tuyến giao thông thủy…