10 năm Hà Nội mở rộng địa giới: Cải thiện đời sống dân cư, "kéo gần" khoảng cách trung tâm - ngoại thành

ANTD.VN - Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, để giải bài toán về áp lực dân số gia tăng ở nội đô cũng như thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực trung tâm với các huyện...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trả lời các câu hỏi tại buổi giao ban báo chí

Chiều nay, 24-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với UBND TP Hà Nội đã tổ chức cung cấp thông tin tới báo chí những kết quả mà thành phố đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số địa phương liên quan (1/8/2008-1/8/2018).

Hàng loạt trục hướng tâm lớn đang triển khai 

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, không gian sản xuất kinh doanh của Hà Nội được mở rộng.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm, nhiều chỉ tiêu tăng gấp 2 đến 3 lần. Cùng đó, không gian đô thị phát triển tạo nên diện mạo mới. Nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt sông... được đầu tư.

Dù vậy, một trong những tồn tại được nhiều chuyên gia chỉ ra là tính kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị giữa khu vực đô thị trung tâm và ngoại thành vẫn còn hạn chế, việc triển khai các đề án giãn dân nội đô ra ngoại thành chưa đạt kết quả như mong đợi. Tại buổi họp báo, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đặt câu hỏi: “Thành phố sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới, nhất là kết nối hạ tầng với các đô thị vệ tinh để giảm áp lực dân số nội đô?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, đúng là thời gian qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị của thành phố còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Về việc làm sao để giảm tải mật độ dân số trong nội thành, thành phố đang tập trung hàng loạt giải pháp và hy vọng trong thời gian tới vấn đề này sẽ được giải quyết hiệu quả hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, muốn giãn dân ra khỏi nội đô, trước mắt, phải quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, chẳng hạn vấn đề nước sạch, vấn đề xử lý rác thải, đây là các vấn đề mà Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt. Chẳng hạn, tới đây, sẽ đưa 3 nhà máy nước sạch mới với công suất lớn vào vận hành để tăng thêm nguồn cung cấp nước sạch không chỉ ở khu vực nội thành mà hướng tới năm 2020, 100% dân ngoại thành cũng được dùng nước sạch.

Cùng đó, tới đây, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chủ trương như giãn các bệnh viện, trường đại học ra ngoại đô, trụ sở cơ quan làm việc của các bộ ngành ra khỏi trung tâm thành phố…

Về hệ thống kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực trung tâm thành phố với các huyện ngoại thành, thành phố sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông, trước mắt là tập trung xây dựng các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm...

"Chẳng hạn trục đường 6 nối từ trung tâm thành phố qua Hà Đông, lên Chương Mỹ, đi Hòa Bình; đường 21 cũng sẽ tiếp tục được mở rộng; rồi còn trục đường từ Tứ Liên qua Đông Anh nối sang Cổ Loa, kết nối quốc lộ 3 và quốc lộ 18...

Nếu những trục đường lớn đó hoàn thành, với hệ thống hạ tầng hiện nay đang triển khai các dự án đường sắt trên cao từ khu vực trung tâm ra khu vực ven nội, thành phố sẽ tạo ra được sự liên kết rất tốt về giao thông giữa trung tâm với các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận” – ông Ngô Văn Quý nói.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội sau 10 năm mở rộng

Ngoài kết nối hạ tầng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, một vấn đề nữa cần quan tâm là phải giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn.

Hiện nay, thành phố đang rất quan tâm tới việc nâng cao số lượng, chất lượng các sàn giao dịch việc làm, mở giao dịch việc làm trên mạng để tạo thuận lợi trong kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho thanh niên cũng đang được chú trọng, chất lượng các trường dạy nghề đang được nâng cao. Cùng đó, thành phố cũng rất quan tâm tới việc hỗ trợ vốn tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, quan trọng nhất, muốn giãn dân ra ngoại thành thì điều kiện sống ở khu vực xung quanh phải tốt hơn, kết cấu hạ tầng tốt hơn, nhất là vấn đề giao thông.

Không chỉ kinh tế, Hà Nội phải là trung tâm văn hóa lớn

Bên cạnh các kết quả phát triển kinh tế xã hội, một vấn đề khác được nhiều báo chí nêu ra là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vốn đã rất đa dạng, đặc sắc của Hà Nội, Hà Tây cũ ra sao sau khi hợp nhất với Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền trả lời báo chí

Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ các thôn làng, tổ dân phố, đặc biệt là phát huy giá trị văn hóa di sản gắn với phát triển du lịch.

Cùng đó, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giáo dục truyền thống văn hóa đến từng cán bộ, đảng viên, từng người dân. Riêng năm 2017, thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử là bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đến nay, việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử này đã bước đầu đem lại những chuyển biến, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, xác định rõ Hà Nội là trái tim của cả nước, là Thủ đô, trung tâm về chính trị, hành chính, cũng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước nên thời gian tới, ngành văn hóa Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nội dung công việc để làm sao phát huy được các giá trị của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, nâng cao ý thức của người dân… góp phần phát triển Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Hà Nội đóng góp tới gần 20% tổng thu ngân sách cả nước

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, những kết quả đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã tiếp tục khẳng định Hà Nội có vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước.

Cụ thể, Hà Nội có diện tích 21,2% so với vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ nhưng đóng góp GRDP tới 51,1%, đóng góp thu ngân sách tới 54,1%. So với cả nước, Hà Nội có diện tích chỉ chiếm 1%, dân số chiếm 8,1% nhưng đóng góp GRDP tới 16,46%, đóng góp về thu ngân sách tới 19,05%...